Số 1

Cần bảo tồn cây chè cổ suối giàng

Trên thế giới không có nơi nào có nhiều cây chè cổ thụ hàng hai, ba trăm tuổi như ở Suối Giàng. Từ những năm 60 đã thống kê được có tới trên 80.000 cây chè từ 200 tuổi trở lên, còn những cây trăm tuổi thì nhiều vô kể. Chất lượng chè ở đây lại tuyệt hảo, đến nỗi viện sĩ K. M. Djemmukhatze thuộc viện sinh hóa A. Ba Cu, Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, khi đến Suối Giàng nghiên cứu vào những năm 60 của thế kỷ 20 này phải thốt lên: “Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới, nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là Tổ Quốc của cây chè? Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới” (lời ghi trong sổ lưu niệm của xã Suối Giàng). Các nhà nghiên cứu còn khẳng định: “Chè Suối Giàng không có biểu hiện của sự di thực”, tức là càng củng cố luận cứ: “Suối Giàng là Tổ Quốc của chè thế giới”. Song bây giờ các “cụ chè” có niên đại cao nhất cứ đần trút những hơi thở cuối cùng, trước sự tiếc nuối của những người có lương tâm và trách nhiệm.

Chè Shan tuyết cổ thụ ở Suối Giàng mọc tản mát, tự nhiên trong rừng, trên độ cao 1400m so với mặt biển, sương mù bao phủ từ tối đến trưa mới tan. Ngoài do giống, chất đất, thì dao động biên độ nhiệt trong ngày cùng độ ẩm tự nhiên làm cho chè Suối Giàng có chất lượng tuyệt hảo, hàng năm cho 300 tấn búp tươi và 60 tấn khô. Song do chưa được đầu tư dây chuyền sản xuất khoa học, hiện đại, chưa có chiến lược đầu tư một cách khoa học và hợp lý từ khâu chăm sóc, thu hái, quản lý, đến chế biến, nên thị trường chưa mặn với chè Suối Giàng. Mặc dù người sành trà đều thừa nhận: Vị chè Suối Giàng độc đáo lắm, nhấp một ngụm, hàng giờ sau vẫn thấy dư vị ngọt ngào đọng mãi trong vị giác, tiếc rằng kém hương. Bây giờ tuy đã có chè “Năm cực” (cực khổ, cực ngon, cực đẹp, cực sạch và cực đắt) của anh Lê Quang Tùng ở Suối Giàng, chỉ sao bằng “một tôm” và chế biến theo một qui trình đặc biệt, làm dậy lên được hương chè cao sang, độc đáo, mơ ước của bao người, nhưng hàng năm cố lắm cũng chỉ được hơn một tạ và cũng chưa đăng ký thương hiệu độc quyền.

Chè chưa phải là nguồn lợi lớn có tác dụng xóa đói giảm nghèo, nên người dân ở Suối Giàng chưa mặn mà. Chưa nói là chưa có kế hoạch bảo tồn một cách dài hơi, khoa học và đúng đắn nguồn gen quí này. Bởi vậy những cây chè cao tuổi nhất cứ lần lượt ra đi. Cây chè to nhất mà xưa nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng lên thăm và chụp ảnh lưu niệm đã chết từ những năm 80. Còn cây chè to nhất xã hiện nay ở bản Giàng cao cũng đã từ giã cõi đời vào mùa đông 2008. Một số cây bị chết do lâu năm không chống chọi được với sâu bệnh, một số cây khi làm đường, trường, trạm, bị đánh đi, chưa nói một số “đại gia” xin, mua về trồng làm cảnh. Người viết bài này được anh Lê Quang Tùng đưa lên thăm cây chè tổ, to nhất xã bây giờ, anh không khỏi xót xa:

- Vừa cuối năm 2008 em đưa khách du lịch lên, cây vẫn xanh tốt anh ạ, thế mà... Rồi anh nói với tôi:

- Em sẽ xin với xã cho đánh cây này về, dựng một ngôi nhà nhỏ, phun thuốc chống mối mọt để giữ làm kỷ niệm. Biết đâu sau này còn có tác dụng nghiên cứu ấy chứ anh.

Nhưng rồi khi cơ quan văn hóa huyện Văn Chấn biết thông tin này do tôi cung cấp và gợi ý cũng đã xin lại tôi những bức ảnh tư liệu và làm văn bản trình với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Yên Bái lập kế hoạch. Nhưng cho đến nay đã gần tháng trôi qua vẫn chưa thành hiện thực. Anh Lê Quang Tùng ngậm ngùi: Giá xã cho đem cây chè ấy về thì em đã làm xong ngay rồi, còn bây giờ, khi đã có điện của trên là không được cho ai, thì chờ đến khi xong các thủ tục hành chính, thì cây chè cổ đã về với đất rồi(!) Tôi cứ ngẫm mãi lời của nhà sinh vật học người Hà Lan có tên thân mật là Jáp nói với tôi trong một lần cùng thưởng thức trà Shan Suối Giàng do tôi chọn mua của tư thương có kinh nghiệm lâu năm sao chế: “Chè Suối Giàng của các bạn tuyệt vời lắm, nếu có phương pháp bảo tồn và phát triển khoa học thì sẽ đem lại nguồn lợi to lớn. Người dân sẽ không phá rừng nữa, vì chỉ trồng chè đã giàu rồi”.

Thế rồi tôi cứ tự hỏi: Đến bao giờ chè Suối Giàng mới được trong nước và quốc tế đánh giá đúng với giá trị thực. Bởi điều đó không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế do chất lượng tuyệt hảo của chè, mà còn từ nguồn lợi du lịch trước mảnh đất được coi là Tổ quốc của cây chè trên thế giới?

TRẦN VÂN HẠC
Số lượt đọc:  370  -  Cập nhật lần cuối:  15/04/2010 10:30:56 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH