Trang tin địa phương

Chi cục kiểm lâm Nghệ An tăng cường các giải pháp chủ động bảo vệ rừng từ gốc

Nghệ An, là một tỉnh có diện tích rừng lớn (hơn 870 ngàn ha), rừng tự nhiên giàu tài nguyên còn khá lớn, trong đó chủ yếu tập trung ở Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và dọc tuyến biên giới Việt Lào. Tất cả đều thuộc vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới với diện tích gần 1,1 triệu ha được tổ chức UNESCO công nhận đầu năm 2007.

Trong những năm qua, công tác bảo vệ rừng được cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo và các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực. Lực lượng Kiểm lâm có nhiều phương án chủ động bảo vệ rừng từ gốc nên độ che phủ rừng Nghệ An ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, buôn bán gỗ và lâm sản luôn đem lại lợi nhuận cao, nhu cầu gỗ làm vật liệu xây dựng còn rất lớn, đời sống của đồng bào dân tộc phần lớn còn khó khăn, lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi, táo tợn đang là những thách thức đối với lực lượng bảo vệ rừng. Nắm chắc đặc điểm, đánh giá đúng tình hình, Kiểm lâm Nghệ An đã và đang chủ động giải bài toán bảo vệ rừng một cách hữu hiệu nhất với những giải pháp phối hợp sau đây:

Một là, thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nhờ vậy đã làm cho đội ngũ cán bộ chính quyền (nhất là các xã, thôn bản ở miền núi) thấy được vai trò trách nhiệm, chủ động phối hợp cùng với kiểm lâm, giúp các chủ rừng giải quyết tồn tại, xử lý những vi phạm lâm luật, từng bước lập lại trật tự trong quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản. Vì vậy, những điạ bàn, vùng rừng xảy ra chặt phá, khai thác trái phép được xử lý kịp thời.

Nhận thức được vai trò của rừng, tác dụng và những lợi nhuận thu được từ rừng nhiều hộ gia đình, cá nhân đã hăng hái nhận đất, nhận rừng để bảo vệ và trồng rừng. Phong trào toàn dân tham gia các tổ đội bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; việc tố giác, giáo dục cảm hoá các đối tượng vi phạm về rừng phát triển sâu rộng tạo tiền đề vững chắc cho việc xã hội hoá nghề rừng.

Hai là: Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn, bảo vệ rừng cấp xã đẩy mạnh hoạt động nắm chắc tình hình, phát hiện kịp thời các đầu nậu, lâm tặc, các điểm nóng về khai thác, chặt phá rừng, các tụ điểm tàng trữ, cất dấu lâm sản để đề xuất phương án triệt phá từ gốc tham mưu cho chính quyền. Nhờ vậy đã hạn chế được việc chặn bắt, rượt đuổi trên các tuyến giao thông vừa kém tác dụng, vừa gây phản cảm; đồng thời hạn chế sự chống đối điên cuồng của các đối tượng, đảm bảo an toàn sức khoẻ, tính mạng của kiểm lâm viên.

Với hơn 260 kiểm lâm viên địa bàn và gần 340 bảo vệ rừng cấp xã được bố trí trên 333 xã có diện tích rừng trên 200 ha rừng, đội ngũ này trong thời gian qua đã tham mưu tốt cho chính quyền địa phương. Hàng năm, giúp UBND xã xây dựng phương án, giải pháp bảo vệ rừng của địa phương rất có hiệu quả. So với trước đây, những năm qua số vụ vi phạm phát hiện, xử lý tại gốc chiếm hơn 50%.

Ba là: Các Đội KL cơ động, Tổ đặc nhiệm tăng cường tuần tra trinh sát nắm địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng; xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tạo nguồn tin báo tin cậy, vững chắc; kịp thời cơ động bắt giữ, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm lâm luật.

Mặc dù, đã dỡ bỏ hoàn toàn các chốt kiểm soát lâm sản trên các tuyến giao thông, nhưng Kiểm lâm Nghệ An vẫn kiểm tra, đánh trúng, bắt đúng những tụ điểm tàng trữ, những vụ vận chuyển gỗ, động vật rừng trên các tuyến giao thông qua địa bàn Nghệ An. Chỉ riêng trong 8 tháng đầu năm 2011, thông quan tin báo của hệ thống cộng tác viên Kiểm lâm Nghệ An đã bắt giữ được 168 vụ/ tổng số 1.225 vụ dã xử lý. Trong đó, có nhiều vụ vận chuyển gỗ và động vật rừng quý hiếm và có khối lượng lớn được nguỵ trang cất dấu tinh vi từ Lào và các tỉnh phía Nam chuyển qua, lập hồ sơ đề nghị khởi tố 22 vụ. Những lâm sản hợp pháp được tạo điều kiện thông thoáng trong vận chuyển và tiêu thụ.

Bốn là: Tăng cường công tác khuyến lâm, xây dựng triển khai thực hiện các dự án về phát triển kinh tế lâm nghiệp, các mô hình sản xuất nông lâm kết hợp... nhằm nâng cao thu nhập nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào miền núi, hạn chế sống dựa vào rừng, phá rừng làm rẫy để hạn chế áp lực tấn công vào rừng.

Hiện nay, các hạt Kiểm lâm của Kiểm lâm Nghệ An đã và đang tổ chức chỉ đạo thực hiện các dự án về trồng rừng như Dự án trồng rừng nguyên liệu 147, trồng rừng thay thế sản xuất nương rẫy, trồng rừng phòng hộ và một số dự án lâm nghiệp xã hội khác. Ngoài ra, mỗi năm còn triển khai thực hiện từ 4 - 6 mô hình quản lý bảo vệ rừng, nông lâm kết hợp trên các vùng sinh thái khác nhau tạo bài học kinh nghiệm cho việc chuyển đổi phong tục tập quán về canh tác bền vững ở miền núi.

Năm là: Xây dựng đội ngũ công chức Kiểm lâm toàn năng, trong sạch vững mạnh.

Cùng với việc tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức chuyên môn cho cán bộ, công chức, Kiểm lâm Nghệ An thành lập Ban chống tiêu cực nội ngành, thường xuyên kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm những tập thể và cá nhân trong lực lượng vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tiếp tay cho lâm tặc. Động thái này làm cho hình ảnh người chiến sỹ Kiểm lâm Nghệ An ngày càng tạo được dấu ấn tin yêu trong quần chúng nhân dân.

Nhờ triển khai đồng bộ và thực hiện tốt các giải pháp trên đây mà Kiểm lâm Nghệ An đã chủ động ngăn chặn có hiệu quả những tác động xấu đến rừng. Số vụ vi phạm lâm luật càng ngày càng giảm, năm sau giảm hơn năm trước từ 15-20%. Đi cùng với đó là các vụ chống người thi hành công vụ cũng giảm rất mạnh. Tài nguyên rừng được giữ vững và phát triển, độ che phủ rừng của Nghệ An từ 48% năm 2007 tăng lên trên 53 % vào năm 2010. Hiện tại, Nghệ An được đánh giá là một trong những tỉnh có diện tích rừng và độ che phủ rừng khá nhất cả nước./.

Nguyễn Đức Cơ

Chi cục Kiểm lâm Nghệ An


Số lượt đọc:  949  -  Cập nhật lần cuối:  06/04/2012 10:02:16 AM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH