Tin hoạt động

Việt Nam và Lào đối thoại chính sách về bảo vệ rừng và thương mại lâm sản



Trong hai ngày 29-30/10/2013, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Nông-Lâm nghiệp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã tiến hành buổi Đối thoại chính sách về quản lý rừng và thương mại lâm sản. Buổi đối thoại này nằm trong khuôn khổ chương trình EU FAO FLEGT Châu Á hỗ trợ cho Việt Nam là quốc gia đang phán Hiệp định Đối tác Tự nguyện VPA/FLEGT với EU. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng góp phần làm sâu sắc thêm hiệp định hợp tác song phương về Lâm nghiệp đã ký giữa Việt Nam và Lào, đồng thời thể hiện cam kết của hai quốc gia trong việc thực hiện Kế hoạch hành động FLEGT nhằm bảo vệ rừng, thực thi pháp luật lâm nghiệp, kiểm soát, ngăn chặn những hành vi buôn bán, vận chuyển gỗ, lâm sản và các loài hoang dã trái phép.
Tham dự buổi đối thoại phía Việt Nam có 25 đại biểu đại diện cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính/Tổng cục Hải quan, Bộ Công An và 6 tỉnh biên giới là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Kon Tum. Tham dự buổi đối thoại phía Lào có 20 đại biểu đến từ Bộ Nông- Lâm nghiệp, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường và đại diện 9/10 tỉnh biên giới với Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Đối thoại ông Võ Đại Hải - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam đã nhấn mạnh: "Cả hai quốc gia đều nhận thức được vai trò quan trọng của ngành Lâm nghiệp đối với phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường bền vững. Buổi đối thoại này thể hiện nỗ lực của hai chính phủ để trong việc thúc đẩy hợp tác song phương nhằm mục đích đề xuất các biện pháp hữu hiệu hơn trong lĩnh vực bảo vệ rừng, thực thi pháp luật lâm nghiệp, kiểm soát, ngăn chặn những hành vi buôn bán, vận chuyển gỗ, lâm sản và các loài hoang dã trái phép dọc biên giới hai nước".
Ông Thongphanh RATANALANGSLY, Phó cục trưởng Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào đã chia sẻ "Hiện nay một lượng gỗ lớn của Lào còn được khai thác từ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất và vấn đề này là không bền vững. Trong thời gian qua Chính phủ Lào đã và đang nỗ lực lập qui hoạch, xây dựng khung pháp lý để quản lý rừng tốt hơn. Do vậy, buổi đối thoại này là cơ hội rất tốt để hai bên cập nhật và trao đổi thông tin về khuôn khổ pháp lý, chính sách hiện hành liên quan đến quản lý rừng, thương mại gỗ và lâm sản hai quốc gia. Buổi đối thoại này cũng tạo điều kiện cho các cơ quan chuyên ngành của Lào trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của phía Việt Nam trong quản lý rừng, thực hiện các sáng kiến quốc tế đặc biệt là đàm phán Hiệp định Đôi tác Tự nguyện VPA/FLEGT".
Ông Jong-ha Bae, trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam, đại diện Chương trình EU FAO FLEGT đã đánh giá cao sáng kiến tổ chức buổi Đối thoại này của hai nước. Ông nhấn mạnh "Bối cảnh của cuộc đối thoại này hôm nay của Việt Nam và Lào là bối cảnh toàn cầu hóa trong đó Việt Nam đang trở thành một đối tác quan trọng mới nổi trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu đồ gỗ trong khu vực và trên thế giới, trong khi đó Lào là một trong quốc gia xuất khẩu gỗ chính cho Việt Nam. Sự kiện này khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước láng giềng đồng thời cũng nêu bật tầm quan trọng và qui mô của hoạt động mà hai phía thực hiện để giải quyết các vấn đề liên quan đến quản trị rừng'.
Kết thúc buổi Đối thoại hai bên đã đánh giá cao sáng kiến tổ chức buổi đối thoại này cũng như những hoạt động hợp tác ở cả cấp trung ương và địa phương trong lĩnh vực bảo vệ rừng và thương mại lâm sản của hai quốc gia trong thời gian qua. Qua đó đã góp phần giảm đáng kể các vụ cháy rừng, các vụ vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển và buôn bán gỗ, động vật hoang dã dọc tuyến biên giới Việt Nam- Lào. Hai bên nhất trí tăng cường triển khai các giải pháp nhằm cụ thể hóa các hoạt động đã được nêu trong MOU. Cụ thể hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa trong việc trao đổi thông tin liên quan đến luật pháp, chính sách, tiến trình đàm phán VPA/FLEGT, công tác bảo vệ rừng, thương mại lâm sản. Hai bên nhất trí giao Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế của Tổng cục Lâm nghiệp và Cục Thanh tra Lâm nghiệp Lào là hai cơ quan đầu mối trong việc trao đổi thông tin giữa hai bên. Hai bên cũng nhất trí xây dựng mô hình hợp tác điểm giữa tỉnh Hà Tĩnh với tỉnh Bollikhămxay, tỉnh Quảng Bình với tỉnh Khăm Muộn về bảo vệ rừng và chống khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép dọc biên giới. Hai bên cũng kêu gọi các tổ chức, chương trình quốc tế tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho cả hai bên để thực hiện các hoạt động hợp tác đã được nhất trí trong buổi Đối thoại này.
Cuộc Đối thoại diễn ra trong không khí hữu nghị, cởi mở và thẳng thắn. Trong thời gian đối thoại chính sách, các đại biểu đã đi thăm quan làng nghề gỗ thủ công mỹ nghệ Đồng Kỵ, Bắc Ninh để tìm hiểu khâu cung ứng nguyên liệu, các mặt hàng truyền thống và thị trường xuất khẩu của làng nghề./.
Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế

Số lượt đọc:  120  -  Cập nhật lần cuối:  01/11/2013 12:20:42 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH