Số 1+2 năm 2008

Phòng cháy chữa cháy rừng ở huyện Hải Lăng

Hải Lăng là huyện phía Nam của tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 48.944ha. Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Hải Lăng đã có nhiều cố gắng trong công tác trồng và bảo vệ rừng. Với điều kiện thời tiết, khí hậu và đất đai không thuận lợi, làm ảnh hưởng đến cây trồng và dễ xảy ra cháy rừng, mùa mưa ngắn phổ biến từ tháng 10 đến tháng 12, nhưng mưa lớn thường kèm theo bão và lốc xoáy, không năm nào Hải Lăng không bị ngập úng cả hàng ngàn hécta ruộng, vườn, nhà cửa và cây cối. Vùng gò đồi có tiềm năng để trồng rừng nhưng hầu hết là căn cứ chiến tranh, mặt đất từng bị cày đi xới lại do bom đạn… nguy hiểm nhất là đạn lân tinh vùi sâu trong đất gặp thời tiết nắng nóng tự phát nổ làm cháy rừng. Nhiều lô rừng phải trồng đi trồng lại nhiều lần do trâu, bò phá hoại, bão làm đổ và do cháy rừng gây ra. Thế nhưng, bằng nỗ lực vượt bậc của toàn dân, Hải Lăng vẫn là huyện có diện tích rừng trồng lớn nhất của Quảng Trị. Thống kê đến cuối năm 2006, diện tích đất có rừng ở Hải Lăng là 21.367ha, trong đó rừng tự nhiên 3.062ha, rừng trồng 18.305ha. Độ che phủ của rừng là 39,1%.

Việc trồng rừng đã khó nhưng bảo vệ vốn rừng hiện có còn khó khăn gấp bội, ngoài những khu rừng trồng bị các loại sâu hại như sâu róm thông, ong ăn lá thông tấn công thì nguy cơ làm mất rừng và nạn cháy rừng thường xảy ra vào mùa khô nóng. Để đối phó với giặc lửa, ngay từ đầu mùa khô UBND huyện đã ban hành Chỉ thị chủ động phòng cháy, chữa cháy (PCCCR) kiện toàn lại 9 Ban chỉ huy PCCCR, xây dựng 9 phương án cho 8 xã vùng gò đồi và phương án chung toàn huyện. Quản lý 12 suất nhận khoán bảo vệ rừng trong các tháng mùa khô. Ban hành văn bản yêu cầu UBND các xã, các chủ rừng và các suất bảo vệ rừng tăng cường công tác kiểm tra trong những ngày nắng nóng kéo dài. Ban chỉ huy PCCCR tổ chức đi kiểm tra 12 đợt đối với chủ rừng, các suất tham gia bảo vệ rừng và những nơi thường xảy ra cháy rừng để chỉ đạo kịp thời.

Điều ghi nhận ở Hải Lăng cho thấy: Việc xây dựng phương án PCCCR cho từng chủ rừng là quán triệt và thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ. Bởi lẽ, hầu hết những diện tích rừng của Hải Lăng xa khu dân cư, giao thông khó khăn, nhiều nơi xe cơ giới không thể đến được, nếu không sử dụng lực lượng và phương tiện tại chỗ mà trông chờ sự chi viện từ huyện, tỉnh thì nhiều cánh rừng đã bị lửa thiêu trụi. Quán triệt phương châm trên, nhiều chủ rừng ở Hải Lăng đã làm tốt công tác PCCCR, tổ chức cho công nhân khai thác nhựa thông và trực phòng cháy trên các lô rừng thông; phát dọn thực bì trước mùa khô nóng, trực PCCCR 24/24h trong các ngày cao điểm. Trong các tháng nắng nóng hầu hết những diện tích rừng thông của Lâm trường Triệu Hải đều có từ 50-70 công nhân túc trực, khi cháy rừng là huy động dập tắt kịp thời. Bằng hình thức tổ chức này mà năm 2007 nhiều vụ cháy rừng vẫn xảy ra đã được công nhân phát hiện và dập tắt kịp thời nên không gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Vụ cháy rừng thông ở hợp tác xã Lương Điền và Hải Sơn xảy ra vào ngày 11/7/2007 nếu không huy động kịp thời 160 người dân tại chỗ đến chữa cháy thì ngọn lửa sẽ thiêu trụi hết gần 200ha rừng thông liền kề. Để nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động, sẵn sàng tham gia chữa cháy, tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về công tác PCCCR. Ngay từ đầu mùa khô năm 2007, UBND xã Hải Lâm đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm tổ chức cuộc diễn tập cấp xã trên địa bàn thôn Trường Phước với 129 người tham gia, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Chủ tịch xã. Vào những ngày nắng nóng, từng chủ rừng bố trí cắt cử nhân lực thay nhau canh gác và tuần tra rừng. Các nhóm hộ có rừng luân phiên bảo vệ, Hạt Kiểm lâm cử cán bộ trực 24/24giờ trong ngày, lãnh đạo huyện cử các thành viên trong Ban chỉ huy PCCCR kiểm tra đột xuất các suất bảo vệ rừng và tình hình PCCCR ở các cở sở…

Việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống thiên tai nói chung và đặc biệt PCCCR ở Hải Lăng đã đem lại hiệu quả: nhiều vụ cháy rừng được phát hiện sớm và tổ chức cứu chữa kịp thời nên không gây thiệt hại về tài nguyên rừng. Tuy vậy vẫn bộc lộ một số khó khăn, bất cập là phương tiện và hậu cần tại chỗ song người dân không có dụng cụ chữa cháy rừng nào ngoài rựa và cành cây. Nhiều chủ rừng khi rừng bị cháy không đề nghị ứng cứu, vì không có tiền bồi dưỡng cho người tham gia chữa cháy. Một số diện tích rừng của các Dự án đã hết thời hạn đầu tư không có vốn để luỗng phát thực bì và thuê lực lượng bảo vệ đang là nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng. Những khó khăn trên đã được nhận ra và chắc chắn sớm được khắc phục khi mà ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao. Sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác PCCCR ở Hải Lăng chắc chắn sẽ ngăn chặn được tình hình cháy rừng. Và khi đó người dân có rừng đã thấy được hết lợi ích do rừng mang lại họ sẽ có trách nhiệm bảo vệ rừng tốt hơn và mạnh dạn đầu tư cũng như tổ chức lập quỹ bảo vệ rừng… Khi đó hàng chục ngàn hécta rừng trồng ở Hải Lăng không bị lửa rừng đe dọa khi mùa khô đến.

Nguyễn Thị Tuyền


Số lượt đọc:  717  -  Cập nhật lần cuối:  04/01/2008 12:34:40 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH