Số 1+2 năm 2008

Nâng cao năng lực của kiểm lâm phụ trách địa bàn

Sau 5 năm triển khai phân công kiểm lâm phụ trách địa bàn xã đã cho thấy đây là một chủ trương đúng, kịp thời, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính ổn định lâu dài đối với công tác quản lý Nhà nước về rừng, xã hội hóa lâm nghiệp, tạo thế chủ động, ý thức tự giác, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ của công chức kiểm lâm. Vai trò và trách nhiệm của UBND cấp xã đối với lâm nghiệp đã được gắn kết và từng bước hoạt động, có hiệu quả nhất định; đặc biệt là công tác bảo vệ rừng và PCCCR. Lực lượng kiểm lâm địa bàn thực hiện tốt việc phối hợp với các ban lâm nghiệp xã, pháp chế, quản lý rừng của hạt, theo dõi giám sát chặt chẽ, hướng dẫn các chủ rừng trong việc tổ chức lực lượng bảo vệ, thiết kế, tỉa thưa, thiết kế khai thác, trồng mới trên diện tích đất lâm nghiệp được giao, khoán. Tham mưu cho Chủ tịch UBND xã ban hành các văn bản kiến nghị, đề nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, các chủ rừng thực hiện các biện pháp hữu hiệu để tăng cường các biện pháp bảo vệ, xây dựng vốn rừng, giữ vững và ổn định diện tích đất lâm nghiệp. Tham mưu cho Chủ tịch UBND xã giải quyết các vụ tranh chấp về đất lâm nghiệp có hiệu quả, giúp các chủ rừng có điều kiện phát triển vốn rừng mang tính ổn định bền vững. Trực tiếp xây dựng, trình chủ tịch UBND xã phê duyệt phương án bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn trong mùa khô hàng năm, kế hoạch phối hợp lực lượng của xã và chủ rừng, truy quét đột xuất và thường xuyên nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, tàng trữ, chế biến, mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản trên địa bàn và lấn chiếm sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Đôn đốc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nhận khoán đất lâm nghiệp thực hiện đúng các hợp đồng đã giao kết, sử dụng có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp được giao khoán, thực hiện trồng mới và chăm sóc tốt những diện tích cần được phủ xanh bằng các loài cây lâm nghiệp, phục hồi, bảo vệ, phát triển tốt vốn rừng hiện có, làm giàu rừng, nâng độ tàn che.

Cùng với Ban lâm nghiệp xã, Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên định kỳ cùng sinh hoạt với các ban ấp, hội nghị nhân dân trong ấp, động viên mọi người thực hiện đầy đủ những quy định cùng những cam kết thực hiện trong bản quy ước chung về bảo vệ rừng. Lập danh sách những đối tượng vi phạm báo cáo chủ tịch UBND xã; đồng thời phối hợp với công an xã mời gọi đối tượng để cảnh cáo, răn đe giáo dục và làm cam kết không tái phạm (kể cả những trường hợp vi phạm đã được xử lý hành chính). Xây dựng nội dung tuyên truyền Luật bảo vệ và phát triển rừng trình chủ tịch UBND xã để thông qua trên phương tiện truyền thanh ở địa phương, đưa nội dung thông tin đến với nhân dân từng thôn ấp. Tham mưu cho chủ tịch UBND xã ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo về bảo vệ và PCCCR, thành lập lực lượng thường trực bảo vệ và PCCCR tại chỗ mà lực lượng nòng cốt là xã đội, công an, các tổ ở từng thôn ấp. Đề xuất, lập dự toán nguồn kinh phí, tài chính với chủ tịch UBND xã để mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện đảm bảo tổ chức thực hiện và thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch đề ra. Thường xuyên kiểm tra hoạt động của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng vào thời kỳ cao điểm nhất; đồng thời hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm, trao đổi học tập lẫn nhau nhằm nâng cao hiệu quả đối với công tác bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp, quản lý lâm sản trên địa bàn. Cùng với các chủ rừng, lực lượng địa phương thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, truy quét trong rừng, trong địa bàn dân cư nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, lập và chuyển hồ sơ vi phạm để xử lý theo thẩm quyền. Trong giao tiếp đã tạo mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó mật thiết với nhân dân địa phương, với cấp ủy, chính quyền địa phương từ xã xuống ấp nhằm kết nối, xây dựng niềm tin, tập hợp, huy động tối đa sự đồng thuận, sự giúp đỡ chân tình, thẳng thắn, cảm thông từ những nơi này, để đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được phân công; đồng thời cũng là cầu nối, kênh chuyền tải thông tin, tạo mối đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, với cơ quan quản lý, điều hành cấp cơ sở. Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo định kỳ những công việc đột xuất phát sinh với lãnh đạo hạt kiểm lâm trong các buổi giao ban và quá trình nhận, thực hiện nhiệm vụ được phân công. Chấp hành nghiêm chỉnh mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành và đạo đức tác phong nghề nghiệp nơi địa bàn công tác. Lực lượng này là đầu mối tham mưu tích cực nhất, sát thực nhất và hiệu quả nhất cho thủ trưởng đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi nhất để lãnh đạo hạt xây dựng nội dung kế hoạch công tác, biện pháp chỉ đạo linh hoạt, cụ thể và kịp thời đối với việc điều hành hoạt động bảo vệ rừng, đất rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn. Tại Xuyên Mộc, sau khi bố trí kiểm lâm xuống phụ trách địa bàn xã cho thấy: Năm 2003 số vụ vi phạm là 350 vụ, 7 tháng đầu năm 2007 giảm xuống còn 35 vụ, bình quân hàng năm giảm gần 100 vụ; năm sau giảm hơn năm trước bình quân khoảng 35%. Tổng số các vụ vi phạm bị phát hiện và bắt giữ cho đến thời điểm hiện tại là 890 vụ. Các vụ vi phạm đến nay chỉ còn nhỏ lẻ, tính chất và mức độ ít nghiêm trọng, thiệt hại xảy ra không đáng kể. Trong đó thành công nhất mang tính xã hội và tính ổn định là công tác tuyên truyền pháp luật, ký kết các bản cam kết bảo vệ rừng, không săn bắt, mua bán, nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã trong cộng đồng dân cư do kiểm lâm địa bàn phối hợp với pháp chế hạt thực hiện thông qua mở hội nghị bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm ở xã, ở các đơn vị chủ rừng và xuống tận thôn ấp. Đã thực hiện làm cam kết bảo vệ rừng ở các thôn ấp được 248 bản, chuyển hóa được 215 đối tượng thường xuyên sống bằng nghề rừng sang làm các công việc khác. Xuất phát từ việc làm tốt công tác tham mưu, nắm bắt địa hình, tình hình thực tế từng địa bàn, công tác chuẩn bị chu đáo, tích cực, chủ động và có sự thống nhất cao giữa lãnh đạo địa phương với kiểm lâm địa bàn và các chủ rừng, ý thức tự giác và tham gia tích cực, có trách nhiệm của quần chúng nhân dân, cho đến nay gần như đã chấm dứt được các vụ cháy rừng làm thiệt hại đến tài nguyên rừng. Việc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng chỉ còn đơn lẻ, ít phức tạp so với thời kỳ trước đây.

Qua 5 năm thực hiện nhiệm vụ được phân công, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã đã thực hiện tốt việc quản lý địa bàn, quản lý rừng tại gốc tạo ra những chuyển biến tích cực, có hiệu quả, số vụ vi phạm đến tài nguyên rừng giảm hẳn, tính chất, mức độ vi phạm không nghiêm trọng. Thông qua kiểm lâm địa bàn, chính quyền và nhân dân ở các địa phương ngày càng hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn về trách nhiệm chung trong quản lý bảo vệ tài nguyên rừng. Chủ trương này đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía nhân dân mỗi khi có công việc thuộc lĩnh vực lâm nghiệp cần trao đổi, bàn bạc. Chính quyền địa phương ngày càng thắt chặt mối quan hệ công việc giữa địa phương với cơ quan quản lý chuyên ngành về lâm nghiệp, tạo ra sự gắn bó mật thiết, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau vì mục đích chung cho sự nghiệp lâm nghiệp.

Trong công tác điều hành quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, việc bố trí kiểm lâm phụ trách địa bàn xã tạo ra cho lãnh đạo đơn vị có nhiều thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động trong việc xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch hoạt động. Tuy nhiên, do lịch sử để lại, do sự chuyển tiếp giữa cái mới và cái cũ, do đó năng lực hoạt động thực tiễn của số ít kiểm lâm địa bàn còn nhiều bất cập. Nhiều cán bộ kiểm lâm địa bàn chưa qua đào tạo về chuyên ngành lâm nghiệp, về pháp luật quản lý Nhà nước, khi tiếp cận với những thông tin chuyên ngành còn cảm thấy bỡ ngỡ dẫn đến kết quả thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế. Nhà nước, cơ quan chuyên ngành cần có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng cho đội ngũ kế cận; trước mắt cần tập trung bồi dưỡng kiến thức về văn hóa, tập huấn nghiệp vụ cho số đối tượng này tạo cho họ thực sự có năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Phải xây dựng kiểm lâm địa bàn thực sự như một "cảnh sát" trên mặt trận bảo vệ và phát triển vốn rừng. Ngoài việc nâng cao năng lực, kiến thức nghiệp vụ, cần quan tâm giáo dục, rèn luyện cho đội ngũ này thực sự có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp, bởi lực lượng này là lực lượng hoạt động độc lập, ở xa cơ quan quản lý trực tiếp, trên cơ sở đó làm điều kiện để tiếp cận quần chúng, làm cho nhân dân trên địa bàn thực sự tin yêu, từ đó xây dựng đội ngũ đặc tình trong nhân dân giúp cho công tác quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn ngày càng dần hoàn thiện và có hiệu quả. Cán bộ kiểm lâm địa bàn phải thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp, biết tổ chức một hội nghị truyền thông về pháp luật, tổ chức triển khai và thực hiện phương án, kế hoạch hoạt động địa bàn, phải tạo được uy tín đối với chính quyền địa phương nơi công tác để nhận được sự đồng thuận, cảm thông, chia xẻ, giúp đỡ. Kiểm lâm địa bàn không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân xã nơi công tác, nhưng bằng năng lực và uy tín của minh phải biết cách để được mời tham dự các phiên họp của Hội đồng nhân dân xã, phải trực tiếp lắng nghe, tiếp thu trả lời chất vấn và chất vấn với lãnh đạo UBND xã về lĩnh vực lâm nghiệp do mình phụ trách.

Để kiểm lâm địa bàn làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, một điều không thể thiếu đó là sự quan tâm sâu sát của thủ trưởng đơn vị. Ngoài việc bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức cho kiểm lâm địa bàn, cần phải tăng cườngcác hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động của kiểm lâm địa bàn. Kịp thời uốn nắn những sai sót, khuyết điểm, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức nghề nghiệp, giúp cho anh em yên tâm công tác; đồng thời động viên khen thưởng những cá nhân có sáng kiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Phải xây dựng cho được đội ngũ kiểm lâm địa bàn vững mạnh làm cơ sở cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trên từng địa bàn và cho sự nghiệp phát triển lâm nghiệp mang tính ổn định và bền vững.

Nguyễn Xuân Thủy


Số lượt đọc:  2071  -  Cập nhật lần cuối:  04/01/2008 02:00:38 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH