Số 1+2 năm 2008

Kết quả và những con số

Theo số liệu thống kê, năm 2007, cả nước có 59 chi cục kiểm lâm; 6 vườn quốc gia trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 24 vườn quốc gia trực thuộc các tỉnh, thành phố, 430 hạt kiểm lâm, 36 hạt phúc kiểm lâm sản, 72 đội kiểm lâm cơ động, 103 hạt kiểm lâm rừng đặc dụng. Cả nước có 10.584 cán bộ kiểm lâm (9.318 biên chế, 1.266 lao động hợp đồng); 48 cán bộ kiểm lâm trình độ trên đại học, 3.969 cán bộ trình độ đại học, 4.770 cán bộ trung cấp, 1.797 cán bộ sơ cấp. Năm 2007, là năm có vị trí hết sức quan trọng đối với lực lượng kiểm lâm. Kiểm lâm cả nước được kiện toàn, thống nhất về tổ chức. Đời sống của cán bộ công chức kiểm lâm đã được quan tâm hơn. Việc ngăn chặn các vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường và đã thu được hiệu quả, được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao. Từng cán bộ công chức kiểm lâm đã có nhiều cố gắng trong công việc và lực lượng kiểm lâm cơ bản hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát công tác bảo vệ rừng, ban hành nhiều văn bản liên quan tạo thuận lợi cho lực lượng kiểm lâm thực thi nhiệm vụ. Việc chỉ đạo sát sao đòi hỏi lực lượng kiểm lâm phải phấn đấu nhiều hơn nữa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ rừng. Quan tâm đầu tư, chỉ đạo chặt chẽ các địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép. Các cấp chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) đã có sự quan tâm chỉ đạo lực lượng kiểm lâm nên các vụ việc phức tạp được tháo gỡ kịp thời, góp phần rất lớn trong thành công chung của kiểm lâm. Sự đoàn kết nhất trí, phân công, phân cấp rõ ràng và việc phối hợp xử lý công việc, chỉ đạo, điều hành của kiểm lâm các cấp tạo sức mạnh tập thể góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, hệ thống tổ chức kiểm lâm toàn quốc thực hiện chuyển giao từ trực thuộc UBND tỉnh sang trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên công tác cán bộ, tổ chức bộ máy bị xáo trộn, phần nào ảnh hưởng đến công tác bảo vệ rừng. Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng xuất hiện sớm, ảnh hưởng bất lợi đến công tác phòng cháy chữa cháy rừng. Ngay từ đầu năm, cháy rừng đã xảy ra tại một số địa phương như Yên Bái, Kon Tum... Giá trị lâm sản các loại, nhất là các loại quý hiếm tăng cao. Việc phá rừng để lấy đất sang nhượng trái phép cho thu nhập cao. Những nguyên nhân trên làm cho tình hình phá rừng ở một số địa phương, nhất là các khu rừng giáp ranh các tỉnh vẫn còn xảy ra, có lúc, có nơi khá nghiêm trọng, dẫn đến hệ quả là tình hình chống người thi hành công vụ vẫn còn gay gắt, gây nhiều thiệt hại cho cán bộ công chức kiểm lâm. Các văn bản liên quan đến tài chính, thực hiện tiêu chuẩn ngạch công chức kiểm lâm, chế độ thâm niên, chế độ về thương binh, liệt sỹ... chậm được ban hành nên ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần của cán bộ công chức kiểm lâm... Điều này phần nào gián tiếp ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

1. Công tác chỉ đạo, điều hành xử lý các vụ việc trọng điểm.

Ngay từ đầu năm, các địa phương đã tích cực kiểm tra tình hình, kịp thời chỉ đạo, động viên cán bộ công chức kiểm lâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đấu tranh kiên quyết với tình hình phá rừng, chống người thi hành công vụ. Chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô 2006-2007. Tổ chức trực cháy 24/24 giờ trong thời kỳ cao điểm, ngày nghỉ,... Cơ quan kiểm lâm vùng số I, số II, số III triển khai ứng trực và hỗ trợ các địa phương chữa cháy rừng. Các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Bình Phước (đặc biệt là tỉnh Kon Tum) đã tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ngăn chặn, xử lý dứt điểm việc khai thác trái phép gỗ sưa quý hiếm. Kiểm tra tình hình phá rừng và khai thác rừng trái phép tại Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình. Thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng khu vực giáp ranh tại ba tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên. Chỉ đạo các địa phương xử lý các điểm nóng tranh chấp đất đai tại Vườn quốc gia Cát Tiên và Tràm Chim.

Điều tra và bắt giữ một số vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng nghiêm trọng, điển hình như: Vụ bắt giữ gỗ tại doanh nghiệp tư nhân Lê Văn Thái ngày 25/8/2007, tại thôn Phù Khê, xã Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh, thu giữ gỗ hộp 4,868m3; gỗ tròn 0,624m3, gỗ xếp đống 2,793 ster; gỗ vụn đóng bao 451kg. Toàn bộ là loại gỗ sưa, thuộc nhóm IA, đặc biệt quý hiếm; Vụ bắt giữ gỗ tại cơ sở mỹ nghệ Việt á của vợ chồng Vũ Thị Dung và Dương Văn Thành, tại Bắc Ninh thu giữ 270 lóng gỗ trắc và 93 kg gỗ sưa vụn; Vụ bắt giữ trầm hương ngày 22/8/2007 tại Hà Nội, thu giữ 20,573kg trầm và 2 cây gió bầu đã đục đẽo giữ lại phần trầm của Đặng Thị Kim Oanh, trú tại phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái; Vụ phát hiện và thu giữ hổ trái phép, ngày 4/9/2007, tại phòng 103B, nhà B5, Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội phát hiện và thu giữ hai con hổ đã chết khoảng 250kg/con. Ngoài ra, tại đây còn phát hiện có một bộ da hổ nguyên, 4 ngà voi nặng 62kg (mỗi chiếc dài hơn 1,2m), 8 đầu bò còn nguyên sừng, 5 tay gấu, 2 đầu hươu, 7 kg cao, 6 bình ngâm rượu động vật, cùng nhiều bao tải đựng xương động vật; tại căn hộ này còn có 2 nồi cao, 2 nồi cao khỉ, trong thùng đông lạnh còn có hai chiếc đĩa to đựng đầy óc và một cặp mắt hổ. Việc ngăn chặn các vụ vị phạm không chỉ thu về cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng mà điều quan trọng hơn là vai trò và vị thế của lực lượng kiểm lâm được nâng cao. Khắc phục được tình trạng địa phương trong việc theo dõi, phát hiện, bắt giữ các vụ vi phạm. Ghi nhận thành tích này, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã gửi thư khen; đồng thời nhiều tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao việc làm lực lượng kiểm lâm.

Kiểm tra, đề xuất xử lý việc nuôi nhốt hổ trái phép ở Bình Dương. Mặc dù đây là vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội có nhiều thông tin trái chiều, nhưng với lập trường nhất quán trong xử lý, tổ chức thông tin rõ ràng với các cơ quan thông tấn báo chí, đề xuất nhanh, đã giúp cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kịp thời, tạo được sự hợp lý, hài hòa, được dư luận xã hội hoan nghênh. Hiện nay, việc nuôi nhốt hổ trái phép lại tái diễn tại Thanh Hóa và Thái Nguyên. Các vụ việc này đang được các cơ quan kiểm lâm theo dõi, chỉ đạo sát không để tái diễn như vụ việc nuôi nhốt hổ tại Bình Dương. Cùng với loài hổ, việc gây nuôi các loài động vật hoang dã như cá sấu, trăn, nhím, heo rừng,.. cũng phát triển mạnh. Đáp ứng nhu cầu này, cơ quan kiểm lâm đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy phạm gây nuôi một số loài động vật hoang dã, tạo điều kiện thuận tiện cho các địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, kiểm lâm các địa phương đã tăng cường kiểm tra, hướng dẫn cho các trại nuôi gia cố, hoàn thiện về chuồng trại tránh cho động vật hoang dã sổng chuồng như vụ việc xảy ra tại cơ sở gây nuôi cá sấu Yang Bay, Khánh Hòa.

Năm qua, cùng với việc phát triển của du lịch Việt Nam, du khách (đặc biệt là người Hàn Quốc) có nhu cầu sử dụng mật gấu. Tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chỉ trong một thời gian ngắn hàng trăm cá thể gấu được tập kết từ các nơi khác về đây và công nghệ khai thác mật gấu phục vụ khách du lịch gây nhiều bức xúc trong nước và quốc tế. Nhiều cá thể gấu không có chíp điện tử được buôn bán, trà trộn cùng với gấu đã gắn chíp làm cho việc quản lý rất khó khăn. Lực lượng kiểm lâm đã nỗ lực, phối hợp với các cơ quan gây mê và kiểm tra chíp điện tử gấu nuôi nhốt tại Quảng Ninh. Trong số 281 con gấu được kiểm tra đã phát hiện được 80 con không có chíp điện tử. Vụ việc này được đánh giá là có tác động rất tích cực trong cả nước về việc nuôi nhốt gấu và động vật hang dã trái phép đang ngày càng có xu hướng nở rộ.

2. Thực hiện các chương trình, dự án.

Tiếp tục thực hiện chương trình thống kê rừng và đất lâm nghiệp hàng năm. Quá trình thực hiện chương trình này năm 2007 gặp nhiều vướng mắc do các địa phương phải chờ việc rà soát, điều chỉnh theo số liệu 3 loại rừng. Số liệu về rừng và đất lâm nghiệp tại một số địa phương có sự sai khác phải điều chỉnh nên việc công bố chậm so với quy định. Đến 31/12/2006, toàn quốc có 12.873.850ha rừng (10.410.141ha rừng tự nhiên, 2.463ha rừng trồng), độ che phủ của rừng 38% (tăng 1% so với năm 2005). Để triển khai tốt hơn chương trình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sơ kết việc theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp giai đoạn 2001 - 2006.

Thực hiện tốt Chương trình nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng. Theo đó, Ban chỉ đạo Trung ương về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được kiện toàn. Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng các tỉnh cũng được rà soát và kiện toàn cho phù hợp. Tăng cường công tác này, Chính phủ đã phê duyệt đề án "Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm, giai đoạn 2007 - 2010" trong đó phần vốn cho các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 200 tỷ đồng, phần vốn cho các tỉnh có nhiều rừng là 302 tỷ đồng. Các địa phương cơ bản xây dựng hoàn thành đề án của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Triển khai chương trình sử dụng chó nghiệp vụ trong công tác bảo vệ rừng: Phối hợp với Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ (Trường Đại học Nông nghiệp I) tổ chức các huấn luyện khóa cho cán bộ công chức kiểm lâm sử dụng chó nghiệp vụ trong bảo vệ rừng. Tham gia soạn thảo Thông tư hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước trang bị, nuôi dưỡng, huấn luyện chó nghiệp vụ của cơ quan kiểm lâm làm công tác bảo vệ rừng. Triển khai Đề án tăng cường năng lực thực thi của cơ quan quản lý CITES Việt Nam đến năm 2010. Thực hiện chương trình quản lý động vật hoang dã, đặc biệt động vật gây nuôi. Triển khai thực hiện dự án: Xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu tại Vườn quốc gia Tam Đảo.

Kiện toàn lực lượng kiểm lâm: Các địa phương đã thực hiện nghiêm túc chủ trương này theo đúng quy định tại Nghị định 119, Thông tư 22. Kết thúc năm 2007, cơ bản các Chi cục Kiểm lâm được chuyển giao từ trực thuộc UBND tỉnh về trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Về phía Trung ương đã thành lập, kiện toàn một số cơ quan trực thuộc Cục Kiểm lâm, như các Cơ quan Kiểm lâm vùng, Cơ quan đại diện của cơ quan quản lý CITES Việt Nam tại phía Nam, Thanh tra Cục Kiểm lâm...

Thực hiện Chương trình đào tạo cho lực lượng kiểm lâm từ 2007-2010 và Chương trình nâng cao năng lực ứng dụng tin học cho lực lượng kiểm lâm: Năm 2007, các cơ quan kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với các trường quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức được nhiều lớp với nhiều nội dung theo đúng tiến độ chương trình đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Tổ chức triển khai tích cực đề án "Giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2007 - 2010" và đề án “Hỗ trợ người dân vùng cao canh tác nông lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy”. Tiếp tục triển khai các Chương trình bảo tồn voi; Chương trình bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và triển khai dịch vụ môi trường rừng; Chương trình phổ biến giáo dục pháp luật và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

3. Hoạt động nghiệp vụ bảo vệ rừng.

Xây dựng văn bản qui phạm pháp luật. Năm 2007, là năm thành công của lực lượng kiểm lâm trong việc tham mưu ban hành văn bản. Số lượng văn bản ban hành vượt so với dự kiến đăng ký, cụ thể đã tham mưu ban hành; về phía Trung ương đã tham mưu ban hành 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 5 thông tư liên tịch, 14 quyết định, 4 chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, Cục Kiểm lâm đã chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan trong và ngoài ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như Thông tư liên tịch giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, hướng dẫn Nghị định 09, Thông tư hướng dẫn Nghị định về giá rừng... Về phía địa phương, đã tham mưu cho ủy ban nhân dân các cấp ban hành hàng nghìn văn bản điều hành công tác bảo vệ rừng.

Tình vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2007, cả nước đã phát hiện 39.320 vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng (tăng 3.475 vụ so với năm 2006), trong đó 956 vụ vi phạm về phòng cháy, chữa cháy rừng; 3.565 vụ phá rừng trái phép; 2.357 vụ phá rừng làm nương rẫy trái phép; 1.231 vụ vi phạm về quản lý bảo vệ động vật hoang dã; 20.274 vụ vận chuyển, buôn bán trái phép gỗ và lâm sản; 1.250 vụ vi phạm về chế biến gỗ và lâm sản khác. Lực lượng kiểm lâm đã xử lý 32.785 vụ, trong đó xử lý hành chính 32.459 vụ; khởi tố hình sự 346 vụ với 343 bị can (đã xét xử 41 vụ, 51 bị cáo). Tịch thu 453 ô tô, máy kéo; 435 xe trâu bò kéo; 3.307 xe máy; 39 tàu, thuyền; 17.675,7m3 gỗ tròn; 19.831,69m3 gỗ xẻ; 66.086,28kg động vật rừng. Tổng thu trên 234,33 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 193,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2007 còn xảy ra 26 vụ chống người thi hành công vụ làm chết 1 người và bị thương 29 người.

Phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý rừng. Năm 2007 cả nước đã xảy ra 956 vụ cháy rừng làm thiệt hại 4.278,36ha rừng. Trong năm thời tiết diễn biến phức tạp, được dự báo là có khả năng xảy ra enilo, tuy nhiên do có sự chủ động trong phòng cháy, thời tiết các tháng cuối năm mưa bão nhiều, độ ẩm cao nên tình hình cháy rừng được đánh giá là không gây thiệt hại nhiều so với các năm trước. Các vụ cháy xảy ra đều được phát hiện và dập tắt kịp thời. Đã huy động lực lượng: Quân đội, Công an, Kiểm lâm, cán bộ lâm trường và nhân dân địa phương tham gia chữa cháy rừng. Năm 2007, cả nước đã tổ chức 458 lớp tập huấn phòng cháy, chữa cháy rừng cho 30.553 người tham gia. Về công tác quản lý rừng: Kiểm lâm cả nước đã phân công 4488 cán bộ kiểm lâm địa bàn về 5.266 xã, giúp chính quyền cấp xã bảo vệ rừng tận gốc. Qua đó, kiểm lâm địa bàn đã hướng dẫn, giúp đỡ 31.408 thôn bản xây dựng quy ước bảo vệ phát triển rừng. Cơ quan kiểm lâm các cấp đã tiếp nhận công tác giao rừng và quy vùng sản xuất nương rẫy từ cơ quan lâm nghiệp và tiếp tục tích cực thực hiện công việc này. Chủ động làm việc với cơ quan Tài nguyên và Môi trường về công tác giao đất, giao rừng; rà soát lại các chủ rừng và các cơ chế chính sách có liên quan, trao đổi và tập hợp số liệu về tình hình giao đất và cấp giấy chứng nhận sử dụng đất lâm nghiệp

Khoa học công nghệ. Thông qua trạm thu ảnh MODIS, lực lượng kiểm lâm đã theo dõi chặt chẽ, phát hiện sớm các điểm cháy trong toàn quốc. Đều đặn hàng ngày, cơ quan kiểm lâm thu được 4 phiên ảnh, thông qua các chương trình tự động, các ảnh này được tính toán, chuyển hóa đăng tải lên trang web của kiểm lâm. Nhiều địa điểm cháy ở vùng sâu, vùng xa có khi kiểm lâm địa bàn chưa phát hiện được, thông qua ảnh vệ tinh đã truyền đạt thông tin và kiểm tra ngăn chặn kịp thời các vụ cháy rừng. Đây là điển hình trong việc ứng dụng công nghệ thông tin của kiểm lâm. Năm qua, lực lượng kiểm lâm đã nghiên cứu xây dựng và triển khai quy phạm về tổ chức trại nuôi sinh sản rắn hổ mang, cá sấu và trăn; quy trình về cấp giấy phép trực tiếp cho các trại gây nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo. Triển khai quy trình phòng cháy, chữa cháy rừng thông và rừng tràm. Tiếp tục soạn thảo quy trình phòng cháy, chữa cháy rừng keo, rừng khộp. Theo dõi tình hình sâu bệnh hại rừng keo ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị (diện tích bị thiệt hại 64ha đã xử lý bằng cách dùng đèn bẫy bướm). Chỉ đạo Cơ quan kiểm lâm vùng II tiếp tục cùng với các cơ quan trong tỉnh Quảng Trị theo dõi diệt trừ dịch sâu hại.

Hợp tác quốc tế. Duy trì hoạt động của Quỹ VCF, các tổ chức quốc tế vẫn tiếp tục đầu tư theo đúng lộ trình cam kết. Hoạt động này tập trung vào các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam. Năm 2007, cơ quan kiểm lâm đã triển khai thực hiện pha II dự án Pù Luông - Cúc Phương. Xây dựng Trạm cách ly cứu hộ gấu Tam Đảo. Tổ chức tiêu hủy một cá thể gấu bị nhiễm bệnh tại Vườn quốc gia Tam Đảo. Đàm phán về kinh phí chăm sóc gấu trong quá trình cứu hộ. Liên hệ đề nghị hỗ trợ thuốc gây mê để phục vụ cho việc kiểm tra chíp điện tử gấu nuôi nhốt tại Quảng Ninh và các địa phương. Thực thi tốt công ước CITES.

Xây dựng lực lượng, thi đua khen thưởng và văn phòng. Thành lập Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, các cơ quan Kiểm lâm vùng I, II, III. Tiếp nhận và cấp phát vũ khí, công cụ hỗ trợ cho 71 đơn vị trong lực lượng kiểm lâm kịp thời, đảm bảo đúng quy định và an toàn. Tổ chức hội nghị Kiểm lâm toàn quốc ngày 19/4/2007, tại Hà Nội để triển khai công tác tổ chức, tài chính, nghiệp vụ Kiểm lâm. Hội nghị toàn quốc sơ kết diễn biến rừng ngày 22/11/2007. Triển khai tổng kết thực tiễn hoạt động của lực lượng kiểm lâm, hướng tới 35 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm 21/5/1973 - 21/5/2007.

Thanh tra, kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thành lập và triển khai hoạt động của Đội Kiểm lâm đặc nhiệm. Đội Kiểm lâm đặc nhiệm đã tăng cường hoạt động và được đánh giá cao. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra tình hình vận chuyển lâm sản trên các tuyến đường. Năm 2007, Cục Kiểm lâm đã nhận được 40 đơn thư, trong đó 24 đơn khiếu nại, 16 đơn tố cáo. Các đơn vị kiểm lâm trong cả nước đã nhận được hàng nghìn đơn thư các loại. Tất cả đơn thư khiếu nại, tố cáo đều được kiểm tra xử lý trực tiếp hoặc chuyển đến các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định của pháp luật.


Số lượt đọc:  1771  -  Cập nhật lần cuối:  04/01/2008 01:51:03 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH