Số 6

Tình hình bảo vệ rừng, chống người thi hành công vụ và các biện pháp cấp bách quản lý bảo vệ rừng

(Báo cáo số 2387/BC-BNN-KL ngày11/8/2009của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn)

I. Thực trạng tình hình bảo vệ rừng.

Sáu tháng đầu năm 2009, cả nước đã phát hiện 20.286 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó: hành vi vận chuyển lâm sản trái pháp luật nhiều nhất với 10.027 vụ, 49,5%; tiếp đến là khai thác lâm sản và phá rừng trái pháp luật 4.841 vụ, 23,9%; vi phạm các quy định về chế biến gỗ, lâm sản 1.063 vụ, 5,2%; vi phạm các quy định về quản lý động vật rừng 533 vụ, 2,63%; hành vi vi phạm các quy định về PCCCR 334 vụ, 1,65%. Tổng số vụ đã xử lý là 16.290, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 16.115 vụ; xử lý hình sự 175 vụ (đã đưa ra xét xử 13 vụ với 9 bị can). Tịch thu 8.730 phương tiện các loại, trong đó có 167 ô tô, máy kéo; 1.022 xe máy; 17 ghe, thuyền; 24.312m3 gỗ các loại (gồm 10.999m3 gỗ tròn và 13.313m3 gỗ xẻ); 7.467 cá thể và 19.121kg động vật hoang dã; thu ngân sách nhà nước 97.081 triệu đồng.

Nhìn chung, tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng trong 5 năm (2004 - 2008) và 6 tháng đầu năm 2009 diễn biến theo chiều hướng giảm, thể hiện trên cả ba mặt: số vụ vi phạm; thiệt hại tài nguyên rừng; diện tích rừng tăng bình quân mỗi năm 162.382,8ha, độ che phủ của rừng tăng từ 36,7% lên 38,7%. Mặc dù đã có những tiến bộ, song tình hình vi phạm các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản, tình trạng chống người thi hành công vụ còn diễn ra ở nhiều địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng; chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về chấp hành kỷ cương pháp luật, gây bức xúc trong xã hội.

1. Phá rừng trái pháp luật.

a) Tình hình phá rừng trái pháp luật.

Mục đích chủ yếu là để lấy đất, chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp. Sáu tháng đầu năm 2009 cả nước phát hiện 4.841 vụ phá rừng và khai thác rừng trái phép, giảm 1.537 vụ - 24% so với cùng kỳ năm 2008. Diện tích rừng bị thiệt hại (mất rừng do khai phá trắng) là 1.313ha, giảm 502ha - 28% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi vụ gây thiệt hại 0,27ha rừng (tương đương với năm 2008 - bình quân 0,28ha/vụ).

- Tình trạng phá rừng trái pháp luật xảy ra ở 28 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên; Đông Nam bộ; Duyên hải miền Trung. Đặc biệt nghiêm trọng ở ba tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông; các tỉnh này thiệt hại 1.022,5ha, 77,9% diện tích rừng bị thiệt hại của cả nước, trong đó, Bình Phước 439ha, 33,4%; Lâm Đồng 359,5ha, 27,4%; Đắk Nông 224ha, 17,1%.

- Đất rừng sau khi bị phá trái pháp luật đã sử dụng làm nương rẫy 940ha, 71,6%; nuôi trồng thủy sản 0,16ha; trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê) 7,9ha; sử dụng cho các mục đích khác (làm nhà ở, đất thổ cư, xây dựng công trình,…) và chưa sử dụng 364ha, chiếm 27,7%.

- Loại rừng bị phá chủ yếu là rừng sản xuất với 1.017ha, 77,5%; rừng phòng hộ và đặc dụng 296ha, 26,5%. Trong đó, rừng tự nhiên 940,5ha (chủ yếu là rừng tự nhiên nghèo), 71,6%; rừng trồng 372,5ha, 28,4%.

Rừng bị phá trái pháp luật tập trung ở khu vực sau rà soát quy hoạch ba loại rừng được chuyển từ loại rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, đặc biệt là các khu vực quy hoạch cải tạo rừng để trồng cao su, trồng rừng, các dự án đầu tư khác. Một số diện tích sau rà soát sắp xếp lại các lâm trường quốc doanh theo Nghị định 200/2004/NĐ-CP giao cho địa phương quản lý, nhưng các địa phương chưa giao rừng cụ thể cho các tổ chức, hộ gia định cá nhân quản lý, dẫn đến rừng trở thành vô chủ. Tại Lạng Sơn, còn xảy ra tình trạng người dân thôn Đồng Cẩy, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tổ chức đông người lấn chiếm 66ha đất rừng (sau khai thác rừng trồng) của Công ty lâm nghiệp Đông Bắc, thuộc Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam.

- Mặc dù, tình trạng phá rừng trái pháp luật giảm, tuy nhiên việc nhiều địa phương triển khai hàng loạt dự án khai hoang cải tạo rừng đã tạo ra sự bức xúc trong công luận và dư luận xã hội, nhiều nơi ngộ nhận rằng đó là hành vi “phá rừng trái phép”. Việc triển khai các dự án cải tạo rừng ở nhiều địa phương không thực hiện đúng quy hoạch, không làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích chủ trương, chính sách và giải quyết phù hợp lợi ích của người dân và chính quyền cơ sở, tạo tâm lý người dân sợ không còn đất để canh tác, nên đã gia tăng hành vi bao chiếm đất, phá rừng trái pháp luật. Đồng thời, nhiều nơi chính quyền cơ sở chưa quản lý chặt chẽ các dự án thực hiện theo đúng nội dung được duyệt. Tình hình này thể hiện ở một số tỉnh như sau:

- Tỉnh Lâm Đồng đã cấp phép cho 264 dự án, trong đó có dự án để xảy ra phá rừng trái pháp luật với diện tích lớn như: Công ty Lâm Sơn Thủy 128,18ha, Công ty TNHH Đa Dâng 70ha, Công ty TNHH Thăng Hoa 68,5ha, Công ty TNHH Sơn Hoàng 63ha... Đặc biệt, đầu năm 2009, tại huyện Bảo Lâm xảy ra 2 vụ phá rừng có tổ chức gây thiệt hại 208,13ha rừng tại TK374 thuộc diện tích rừng được tỉnh giao cho Công ty cao su Bảo Lâm, và 8,5ha rừng giao khoán tại TK456.

- Tỉnh Đắk Nông có 88 dự án, trong đó đến tháng 5/2009 đã cấp phép cho 22 dự án, 30 dự án đang khảo sát trình duyệt. Dự án do Công ty Phạm Ngọc Thanh làm chủ đầu tư đã bị phá 90ha. Một số chủ dự án đã sang nhượng đất cho người khác hoặc sử dụng dự án để huy động vốn không đúng quy định như Công ty Trường Xuân, Công ty Thịnh An Khương, Công ty Mai Hưng - Việt Trung.

- Tỉnh Bình Phước, năm 2008, đã quy hoạch và quyết định chuyển đổi 14.630ha đất lâm nghiệp sang mục đích ngoài lâm nghiệp. Trong số đó, giao cho các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng trồng cao su trên 90%. Hàng chục dự án đang tập trung khai hoang rừng trong năm 2009.

- Tỉnh Tây Ninh, cho phép chuyển mục đích sử dụng 2.638,1ha đất lâm nghiệp không đúng quy định của Nhà nước sang trồng 1.087,2ha cây cao su, 853,2ha cây ăn quả.

- Tỉnh Hà Tĩnh, tại xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh và xã Hương Giang, huyện Hương Khê, người dân tổ chức phá rừng, chiếm đất trên diện tích đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án và giao đất cho Công ty cao su của tỉnh chuyển đổi rừng để trồng cao su.

Thực trạng trên cho thấy, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách; chính quyền các cấp ở nhiều địa phương đã tăng cường thực hiện các biện pháp chống chặt phá rừng, tổ chức các đoàn kiểm tra cưỡng chế, thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, tổ chức các đợt truy quét ngăn chặn tình trạng phá rừng, nhưng tình hình vi phạm vẫn diễn ra gay gắt. Số vụ phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp có tổ chức đông người đang có chiều hướng gia tăng, gây hậu quả nghiêm trọng đối với tài nguyên rừng, làm phức tạp tình hình an toàn xã hội ở địa phương.

b) Nguyên nhân chủ yếu.

- áp lực về dân số ở các vùng có rừng tăng nhanh chủ yếu do tăng cơ học, di cư tự do. Đối tượng này chủ yếu là những hộ nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn, phá rừng lấy đất canh tác (từ năm 2005 đến 2008 các tỉnh Tây Nguyên, Bình Phước, Bình Thuận đã có 23.135 hộ dân di cư tự do). Nhu cầu sử dụng đất để sản xuất ước tính tăng thêm khoảng 5.000ha/năm, chủ yếu là đất có rừng và đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp. Vì lợi ích trước mắt, người dân phá rừng lấy đất canh tác, trồng cây công nghiệp có thu nhập cao hơn, đặc biệt là sang nhượng đất cho người có tiền (giá cả sang nhượng đất từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/ha) hoặc đòi các dự án bồi thường “chi phí khai hoang, đầu tư” (hiện nay các dự án đang được chính quyền địa phương chỉ đạo thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ khoảng 10 đến 30 triệu đồng/ha).

- Việc triển khai giao đất, giao rừng cho khá nhiều các dự án do các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân là chủ đầu tư, chuyển đổi rừng và đất lâm nghiệp sang trồng các loài cây khác đã phát sinh tâm lý lo lắng trong cư dân địa phương. Nhiều doanh nghiệp tư nhân được giao rừng, đất lâm nghiệp để thực hiện các dự án thiếu năng lực (tài chính, kỹ thuật), thiếu trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ rừng, để mặc cho rừng bị phá.

- Chính quyền một số địa phương chưa chỉ đạo thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật; ban hành nhiều văn bản, nhưng chưa kiên quyết chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật (chủ yếu các địa phương giao cho kiểm lâm và chủ rừng).

Công tác quy hoạch, kế hoạch thiếu tính khoa học, thực tiễn và đồng bộ; quy hoạch không được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên bị phá vỡ. Một số địa phương ở Tây Nguyên, Bình Phước đã cho phép xây dựng, triển khai dự án cải tạo rừng một cách ồ ạt trong các năm 2007, đến nay không thực hiện đúng quy hoạch, không làm tốt công tác tuyên truyền, đã tạo tâm lý cho người dân sợ hết đất, bao chiếm đất, phá rừng trái pháp luật.

Một số địa phương do lợi ích cục bộ, chính quyền cơ sở đã làm ngơ, thậm chí có biểu hiện tiếp tay cho các hành vi phá rừng, khai thác, tiêu thụ lâm sản, sang nhượng đất lâm nghiệp trái pháp luật. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, đặc biệt là đối với những cán bộ thiếu trách nhiệm, tiếp tay cho lâm tặc. Cơ quan quản lý đất đai chưa thực sự "vào cuộc" để ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đất lâm nghiệp. Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, chủ rừng, người có trách nhiệm quản lý không kịp thời, thiếu nghiêm túc.

- Các lâm trường quốc doanh, Ban quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng đang quản lý trên 6.504.373ha rừng, nhưng nhìn chung năng lực quản lý bảo vệ rừng hạn chế. Các lâm trường quốc doanh sau khi sắp xếp lại, chuyển thành công ty vẫn không đủ sức bảo vệ rừng được giao, không có cơ chế tạo nguồn thu ổn định cho chủ rừng và gắn trách nhiệm vật chất của chủ rừng với kết quả bảo vệ rừng. Các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác đang quản lý 4.076.959ha rừng hầu hết có quy mô nhỏ, nên không thể tự tổ chức lực lượng bảo vệ rừng được giao. Còn lại 2.537.441ha rừng do cấp xã trực tiếp quản lý, nhưng chưa có cơ chế để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả.

- Công tác khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân của nhiều chủ rừng tại các địa phương có những điểm nóng về phá rừng hiệu quả thấp, người nhận khoán vẫn nhận tiền theo hợp đồng, nhưng không thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng, rừng bị phá nhưng không quy được trách nhiệm cụ thể.

2. Khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ, lâm sản trái pháp luật

a) Tình hình chung

Từ đầu năm 2009 đến nay, cả nước đã phát hiện 11.090 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ và lâm sản trái pháp luật, tăng 327 vụ (3,5%) so với cùng kỳ năm 2008. Hành vi khai thác, vận chuyển, chế biến gỗ trái pháp luật diễn ra ở hầu khắp các địa phương còn nhiều rừng tự nhiên còn gỗ có giá trị thương mại cao, nhất là khu vực thuận lợi về giao thông đường bộ, đường sông, địa phương cho phép thành lập nhiều cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ ở trong rừng và gần rừng. Trọng điểm của tình trạng này hiện nay là khu vực giáp ranh giữa các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình (huyện Hương Sơn - Tuyên Hóa); Gia Lai - Kon Tum; Đắk Nông - Bình Phước (Đắk R’Lấp - Phước Long, Bù Đăng); Đắk Nông- Lâm Đồng; Phú Yên - Khánh Hòa; Ninh Thuận - Khánh Hòa; Bình Thuận - Lâm Đồng; Thái Nguyên - Lạng Sơn - Bắc Cạn; trên tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc địa bàn huyện Đông Giang và Nam Giang, Quảng Nam; huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Một số khu rừng đặc dụng giàu tài nguyên như: Vườn quốc gia Yok Đôn, Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên Hữu Liên.

Hiện nay nổi lên một số vấn đề sau:

- Chuỗi hành vi vi phạm từ khai thác, vận chuyển đến chế biến thường được các “đầu nậu” tổ chức chặt chẽ theo “đường dây”; chúng thuê người dân địa phương khai thác, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng bằng nhiều phương tiện cả thủ công, thủ công kết hợp cơ giới, gom gỗ tại một số tụ điểm gần rừng, sau đó mới vận chuyển đi tiêu thụ, “đầu nậu” ít xuất hiện ở hiện trường khai thác gỗ trái pháp luật.

- Nhiều thủ đoạn tinh vi được “đầu nậu” sử dụng để vận chuyển gỗ lậu như: dùng xe vận chuyển hành khách, cải hoán xe vận chuyển có hai đáy, hai mui, dùng biển số giả..., giấu gỗ dưới hàng hóa khác, kết gỗ chìm dưới bè, sử dụng giấy tờ gỗ hợp pháp để quay vòng nhiều lần, làm giả dấu búa kiểm lâm; thời gian thực hiện hành vi vi phạm chủ yếu vào ban đêm, ngày nghỉ; sử dụng phương tiện thông tin hiện đại, theo dõi hoạt động của cơ quan thi hành công vụ để trốn tránh sự kiểm soát; khi bị kiểm tra thì tìm nhiều cách mua chuộc người có thẩm quyền nhằm tạo sự “bảo kê” cho hoạt động phi pháp; đặc biệt xuất hiện ngày càng nhiều thủ đoạn chống đối, như kích động số đông, thuê “đầu gấu”, người dân chống trả người thi hành công vụ.

- ở những địa bàn trọng điểm, gỗ khai thác trái pháp luật chủ yếu được tập trung tại các xưởng chế biến quy mô nhỏ ở trong rừng và gần rừng để sơ chế và lợi dụng các quy định hiện hành thông thoáng trong quản lý lâm sản sau chế biến (khi vận chuyển gỗ sau chế biến chỉ cần hóa đơn bán hàng và bảng kê sản phẩm của chủ lâm sản lập được coi là sản phẩm chế biến hợp pháp) để hợp thức hóa gỗ khai thác trái pháp luật.

b) Nguyên nhân chủ yếu

- Do nhu cầu của xã hội về gỗ, nhất là gỗ quý tăng cao, hoạt động buôn bán gỗ trái pháp luật đã mang lại lợi nhuận lớn cho đầu nậu, trong khi đa số người dân sống trong rừng đời sống khó khăn, nên một số nhận làm thuê cho đầu nậu.

- Việc tổ chức thực hiện pháp luật, các Chỉ thị 12/TTg, 08/TTg ở các địa phương trọng điểm thiếu tích cực, thường xuyên, việc xử lý vi phạm thường kéo dài, do người trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm hầu hết là người tại chỗ và người nghèo, địa bàn vùng sâu, vùng xa, khó thu thập chứng cứ; quy định pháp luật về chế tài xử lý còn nhẹ; chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan có liên quan trong việc điều tra, phát hiện, xử lý các đầu nậu, trong khi kiểm lâm chỉ có thẩm quyền xử lý người trực tiếp thực hiện hành vi phá rừng, không thể tổ chức điều tra mở rộng.

- Tình trạng phổ biến hiện nay ở các địa phương có nhiều rừng là: các xưởng chế biến lâm sản được thành lập phân tán trên phạm vi rộng với số lượng ngày càng tăng (chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk đã thống kê được 345 xưởng chế biến gỗ). Dư luận xã hội và nhận định của cơ quan chức năng ở một số địa phương cho rằng: nhiều xưởng chế biến lâm sản quy mô nhỏ đóng ở trong rừng, gần rừng sử dụng nguyên liệu gỗ nội địa là những “tụ điểm” thu gom, tiêu thụ gỗ khai thác trái pháp luật. Một số nơi có tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát các hoạt động của các cơ sở chế biến lâm sản và nguồn gốc gỗ nguyên liệu nhập xưởng; khi phát hiện vi phạm xử lý thiếu nghiêm túc.

- Một số chính sách tạo sự thông thoáng trong quản lý lưu thông, chế biến gỗ, lâm sản đã được ban hành, trong khi các biện pháp quản lý thực tế chưa theo kịp, nên đã bị lợi dụng, dẫn đến tình trạng hợp thức hóa gỗ, lâm sản được khai thác trái pháp luật.

- Lực lượng kiểm lâm mỏng, địa vị pháp lý hạn chế, trang thiết bị, phương tiện chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, một bộ phận còn hạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, dao động trước khó khăn, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, bị mua chuộc, tiếp tay cho hành vi trái pháp luật.

3. Tình hình quản lý động vật hoang dã.

a) Tình hình vi phạm các quy định về quản lý động vật hoang dã.

Sáu tháng đầu năm 2009 phát hiện 533 vụ vi phạm các quy định về quản lý động vật hoang dã, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2008. Qua xử lý đã tịch thu 7.468 cá thể (trong đó 344 cá thể động vật nguy cấp, quý hiếm) và 19.121kg động vật các loại, số động vật này chủ yếu tịch thu trong quá trình kiểm soát trong khâu vận chuyển, lưu thông. Cùng với các hoạt động kiểm soát, cơ quan kiểm lâm các địa phương đã tổ chức tháo gỡ hàng ngàn bẫy động vật trong các khu rừng đặc dụng; vận động, thu gần 300 khẩu súng săn tự tạo và vũ khí quân dụng được người dân tự nguyện nộp.

Một số loài động vật nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là đối với voi, hổ, gấu. Trong tháng 6 và 7/2009 đã phát hiện 1 cá thể voi bị giết để lấy ngà tại Đắk Lắk và 5 cá thể voi bao gồm cả voi non bị chết tại Đồng Nai, các vụ việc này đang trong giai đoạn tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý. Hầu hết các vụ vi phạm quy định của Nhà nước đối với động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm đã được phát hiện, xử lý ngay khi săn bắt từ rừng tự nhiên và hành vi mua bán, vận chuyển. Những vụ vận chuyển động vật hoang dã trái pháp luật được phát hiện chủ yếu là động vật có nguồn gốc từ nước ngoài nhập khẩu hoặc “quá cảnh” để tiếp tục tiêu thụ lậu sang nước thứ ba. Một số vụ điển hình: ngày 7/1/2009 bắt giữ 118 cá thể hổ mang chúa, 1 mèo rừng, 2 thùng tê tê đông lạnh và nhiều sản phẩm của động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đang vận chuyển đi tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội; ngày 16/7/2009 phát hiện xe taxi chở 1 cá thể hổ chết được đông lạnh và 2 bộ xương hổ; ngày 27/2/2008 phát hiện 24 tấn tê tê đông lạnh và 920 kg vảy tê tê tạm nhập từ Indonesia để tái xuất đi Trung Quốc; tháng 4/2008 một hành khách người Việt Nam khi quá cảnh qua Thái Lan bị bắt giữ với 5 sừng tê giác có tổng trọng lượng 16,7kg; ngày 19/12/2008 bắt giữ 4,7 tấn tê tê đông lạnh và 85kg vảy tê tê có xuất xứ từ Indonesia tại Quảng Ninh; tháng 5/3/2009 phát hiện 5,6 tấn ngà voi nhập khẩu vào cảng Hải Phòng từ Tanzania;... Hoạt động buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia được tổ chức chặt chẽ, khi phát hiện khó điều tra, xử lý triệt để do những quy định khác nhau của pháp luật mỗi quốc gia, cần có sự phối hợp liên ngành thống nhất và sự hợp tác của các tổ chức quốc tế có liên quan, hiện nay, các tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong và ngoài nước rất quan tâm đến công tác thực thi pháp luật của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc xử lý đối với động vật sống còn gặp nhiều khó khăn như: chưa có các cơ sở cứu hộ, nuôi dưỡng động vật hoang dã với quy mô lớn. Những nơi hiện có thì thiếu cơ sở vật chất, nhân lực, chuyên môn và kinh phí hoạt động. Do vậy, chưa thể tịch thu để nuôi tập trung một số lượng lớn động vật hoang dã, nhất là đối với động vật hung dữ còn sống (hổ, báo, gấu) cần phải tiếp tục nuôi giữ lâu dài.

b) Gây nuôi, xuất, nhập khẩu động vật hoang dã.

- Những năm gần đây phong trào gây nuôi sinh sản động vật hoang dã phát triển mạnh ở nhiều địa phương trên toàn quốc, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận dân cư, giảm áp lực vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và bảo tồn nguồn gien động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Hiện nay cả nước có trên 6.000 trại nuôi 70 loài động vật hoang dã với trên 1,5 triệu cá thể, trong đó có 7 cơ sở nuôi cá sấu (trong tổng số 57 trại trên toàn cầu) được Ban thư ký Công ước CITES quốc tế công nhận đủ tiêu chuẩn nuôi thương mại bền vững.

Tình trạng nuôi nhốt một số loài động vật rừng quý hiếm trái phép từng bước được quản lý chặt chẽ hơn, giảm thiểu hành vi tiếp tục săn bắt từ tự nhiên như: tháng 4/1999 cả nước có 446 cá thể gấu nuôi nhốt trái phép, đến tháng 2/2003 tăng lên là 2.451 cá thể; tháng 12/2005 tiếp tục tăng lên là 4.349 cá thể. Sau khi tổ chức gắn chíp điện tử và lập hồ sơ quản lý gấu nuôi vào đầu năm 2006, đồng thời tăng cường công tác quản lý trong thời gian qua, tới nay số gấu nuôi còn dưới 4.000 cá thể (giảm chủ yếu do số gấu già bị chết). Như vậy, về cơ bản việc quản lý gấu nuôi đã có kết quả rõ rệt, các hành vi sắn bắt, mua bán gấu trái pháp luật ngăn chặn, bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đối với hổ, sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép đối với 4 trại tại Bình Dương, 1 trại ở Thanh Hoá và 1 trại tại Thái Nguyên lập hồ sơ nuôi thí điểm, đến nay không phát hiện hổ nuôi được bắt từ tự nhiên, các trại ở Bình Dương đều có sinh sản tại trại; các vụ vi phạm sau này đều bị phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu các loài động vật, thực vật hoang dã trên thế giới hàng năm ước tính có giá trị trên 100 tỷ đô la Mỹ và ngày càng tăng do nhu cầu không ngừng phát triển. Nước ta mới tham gia thị trường thương mại quốc tế về ngành hàng này, nhưng xu hướng chung các năm qua thì tốc độ phát triển nhanh chóng. Tổng giá trị xuất khẩu chính ngạch các loài động vật thuộc phụ lục Công ước CITES năm 2008 đạt xấp xỉ 13 triệu đô la Mỹ, sáu tháng đầu năm 2009, do những khó khăn chung của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các mặt hàng chủ lực (khỉ, trăn) khó tiêu thụ, nhưng cũng đạt trị kim ngạch xuất khẩu chính ngạch trên 5,6 triệu đô la Mỹ. Một số mặt hàng động vật hoang dã được gây nuôi đã chiếm tỷ trọng lớn trên trường quốc tế như: khỉ đuôi dài, cá sấu, trăn, côn trùng... đồng thời, Việt Nam cũng đang nhập khẩu ngày càng tăng sản phẩm và nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp giày da, sản xuất sản phẩm thủ công…

4. Phòng cháy, chữa cháy rừng.

Trong 6 tháng đầu năm 2009 toàn quốc đã xảy ra 334 vụ vi phạm các quy định của Nhà nước về PCCCR, trong đó đã xảy ra 235 vụ cháy rừng, tăng 36 vụ - 18% so với cùng kỳ năm trước; thiệt hại 1.224ha, tăng 88ha - 8% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy cháy rừng tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn là năm tiếp tục chủ động PCCCR và kìm chế tình trạng cháy rừng thành công, các vụ cháy rừng đều được phát hiện sớm nên đã tổ chức lực lượng chữa cháy kịp thời, không để xảy ra cháy lớn, nhất là ở các trọng điểm cháy rừng được quản lý lửa rừng an toàn.

- Đầu năm 2009 cháy rừng xảy ra trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố, tuy nhiên diện tích bị thiệt hại do cháy tập trung hầu hết ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Những địa phương bị thiệt hại lớn là Hà Giang 338ha, Yên Bái 198ha, Lạng sơn 144ha, Cao Bằng 94ha, Quảng Ninh 72ha, Lai Châu 72ha, Sơn La 49ha - bảy tỉnh này đã chiếm gần 80% diện tích rừng bị thiệt hại do cháy trong toàn quốc.

- Trạng thái rừng bị cháy chủ yếu là rừng trồng với 1.054ha, chiếm 86,1% với các loài cây trồng thông, bạch đàn, keo thuần loại và rừng trồng hỗn giao các loài cây này, mức độ phục hồi sau cháy ước khoảng 30%; rừng tự nhiên bị cháy 170ha, chiếm 13,9% chủ yếu là rừng nghèo đang khoanh nuôi, nên mức độ thiệt hại về kinh tế không lớn.

- Loại rừng bị cháy gồm: rừng sản xuất 932ha, chiếm 76,1%; rừng phòng hộ 226ha, chiếm 18,5%; rừng đặc dụng 26ha, chiếm 2,1%.

- Nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy rừng là: đốt dọn thực bì làm nương rẫy, đốt dọn đồng ruộng 60,80%; sử dụng lửa để săn bắt chim, thú lấy mật ong, tìm phế liệu chiếm 18%; sử dụng lửa bất cẩn trong rừng 5%; cố ý đốt rừng 5%; các nguyên nhân khác 11,2%.

Nhìn chung, công tác phòng cháy, cháy rừng có nhiều tiến bộ, phương châm bốn tại chỗ, phát hiện và chữa cháy rừng sớm đã được triển khai thực hiện ngày càng có hiệu quả. Đạt được kết quả này là do trong thời gia qua nhiều giải pháp về phòng cháy, chữa cháy rừng đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, các cấp chính quyền địa phương, các chủ rừng lớn đã chủ động tổ chức thực hiện các biện pháp, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; đề án tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng theo Quyết định số 02/2007/QĐ-TTg, ngày 02/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường đáng kể năng lực PCCCR của kiểm lâm tại một số địa phương có nhiều rừng. Sự phối hợp liên ngành, nhất là huy động các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tham gia các hoạt động chữa cháy rừng có hiệu quả. Tuy nhiên, tình hình thời tiết diễn biễn ngày càng phức tạp, khô hạn kéo dài, diện tích rừng khoanh nuôi phục hồi và rừng trồng tăng lên, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng và sinh vật hại rừng cao hơn. Hiện nay, nguồn đầu tư cho bảo vệ rừng nói chung, PCCCR nói riêng rất hạn hẹp, tỷ trọng đầu tư cho công tác bảo vệ rừng thấp, chủ yếu mới chỉ bố trí cho công tác khoán bảo vệ rừng từ dự án 661 chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ rừng bền vững.

II. Tình trạng chống người thi hành công vụ.

Thời gian gần đây tình trạng chống người thi hành công vụ diễn ra ngày càng gay gắt, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến việc chấp hành kỷ cương pháp luật, tạo bức xúc trong xã hội. Xuất hiện nhiều vụ chống đối có tổ chức (tổ chức canh gác, đặt bẫy chông, huy động nhiều người...), hành vi trắng trợn và côn đồ, như đập phá phương tiện, đâm xe vào lực lượng kiểm tra, đe doạ xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ và thân nhân họ... Phương tiện sử dụng chống người thi hành công vụ rất đa dạng, nghiêm trọng hơn, gần đây một số đối tượng đã sử dụng cả vũ khí (súng kíp), dùng kim tiêm có máu nhiễm HIV... để tấn công. Đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ chủ yếu là người dân bị đầu nậu kích động, mua chuộc. Một số vụ chống người thi hành công vụ trong bảo vệ rừng có biểu hiện của những vấn đề tôn giáo phức tạp như: vụ việc xảy ra tại xã Lộc Tân, huyện Bảo lâm, tỉnh Lâm Đồng ngày 19/2/2008; tại xã Đak Ngo, huyện Tuy Đức, Đăk Nông ngày 18/3/2009; tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk; tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình. Sáu tháng đầu năm 2009, đã xảy ra hàng trăm vụ chống người thi hành công vụ. Trong đó có 22 vụ gây hậu quả nghiêm trọng, gây thương tích cho 14 người, phá hủy nhiều phương tiện, tài sản của cơ quan nhà nước và người thi hành công vụ. Tình trạng này xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Hà Tĩnh, Bình Định. Một số vụ điển hình như sau:

- Ngày 2/1/2009 hơn bốn chục người tổ chức tấn công đoàn kiểm tra rừng tại lâm trường Buôn Ja Wầm làm một bảo vệ rừng bị thương nặng.

- Ngày 26/2/2009 tại thị trấn Thạch Mỹ huyện Nam Giang, Quảng Nam trong khi kiểm lâm tổ chức kiểm tra, bị đối tượng cố tình chèn ép, xe công vụ bị lao xuống vực làm 2 kiểm lâm bị thương nặng.

- Ngày 18/3/2009 đoàn liên ngành tiến hành giải tỏa các điểm phá rừng tại xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông bị hàng trăm người tấn công làm bị thương 1 dân quân xã và 2 chiến sỹ công an.

- Ngày 2/4/2009, hàng trăm người bao vây, đánh trọng thương một nhân viên bảo vệ rừng của Lâm trường Hữu Lũng I, tỉnh Lạng Sơn, sau đó ngang nhiên chiếm đất. Trước sự hung hãn, quá khích của đám đông, lâm trường đã phải trả 1.250.000 đồng cho các đối tượng phá rừng để giải thoát.

- Ngày 9/4/2009, khoảng 500 người thôn 1, Thanh Sen, Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình bao vây, tấn công kiểm lâm do bắt giữ gỗ khai thác bất hợp pháp tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (3 kiểm lâm viên bị đánh sưng mặt, bong chân, rách môi...).

- Đêm ngày 9/4/2009, Trạm kiểm lâm số 1, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước bị 6 thanh niên địa phương đánh dã man các kiểm lâm viên vì họ bị Trạm kiểm lâm này ngăn chặn hành vi khai thác, săn bắn thú rừng làm cả 4 cán bộ kiểm lâm bị trọng thương, kiểm lâm viên Dương Quang Hùng bị chém gần đứt lìa cánh tay trái, đến khi tăng cường lực lượng công an giải vây mới có thể đưa anh em kiểm lâm bị thương đi bệnh viện cấp cứu.

- Ngày 11/4/2009, trong khi đoàn kiểm tra của công ty cao su Hương Khê, Hà Tĩnh đang kiểm tra tình hình bảo vệ rừng trong khu vực được Nhà nước giao đã bị ngăn chặn, tấn công, làm hai cán bộ bị thương.

- Ngày 13/4/2009, Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định tổ chức kiểm tra vụ vận chuyển lâm sản trái phép đã bị 25 lâm tặc tấn công làm cho 2 kiểm lâm viên bị trọng thương. Khi kiểm lâm đưa đồng đội bị thương đi bệnh viện cấp cứu vẫn tiếp tục bị nhóm lâm tặc này chặn đánh.

Tình trạng lộng hành, hành hung, chống người thi hành công vụ công khai, diễn ra thường xuyên không chỉ xâm hại tính mạng, sức khỏe người thi hành công vụ, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, công dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỷ cương phép nước trong lĩnh vực bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, mà còn tạo phức tạp đến tình hình an ninh, trật tự xã hội ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận. Vì thế, phải tập trung chỉ đạo thống nhất, thực hiện quyết liệt các biện pháp đấu tranh, trừng trị và phòng ngừa; tổ chức điều tra, xử lý nghiêm khắc đối tượng chống người thi hành công vụ; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để có chế tài phù hợp nhằm nâng cao năng lực cho kiểm lâm để có thể làm tròn nhiệm vụ, bảo vệ được tính mạng người bảo vệ rừng.

III. Biện pháp bảo vệ rừng.

1. Giải pháp cấp bách trước mắt.

1.1. Tổ chức chiến dịch bảo vệ rừng trong quý IV/2009 và quý I/2010.

Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, buôn bán, vận chuyển gỗ, lâm sản và chống người thi hành công vụ đang diễn ra phức tạp trong những tháng gần đây, lập lại trật tự kỷ cương trong công tác bảo vệ rừng, tổ chức một đợt “chiến dịch bảo vệ rừng trên phạm vi toàn quốc một cách đồng bộ trong năm 2009 và quý I/2010 như sau:

a) Giai đoạn I.

- Nội dung chủ yếu là tuyên truyền, vận động về quản lý bảo vệ rừng; tổ chức thống kê, phân loại đối tượng vi phạm pháp luật chuyên nghiệp, phân hóa, có biện pháp thuyết phục, giáo dục, chuyển hóa đối tượng, theo dõi, giám sát đối tượng cố tình vi phạm; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành với lực lượng đủ mạnh để phát hiện, ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ, lâm sản trái pháp luật, kiểm tra chặt chẽ nguồn gỗ nguyên liệu của các xưởng chế biến, các tụ điểm tập kết; rà soát các vụ án tồn đọng để giải quyết dứt điểm trong thời hiệu pháp luật quy định đồng thời giải quyết kịp thời các vụ phát sinh mới, lựa chọn một số vụ án điểm về tội phá rừng, chống người thi hành công vụ để sớm đưa ra xét xử công khai.

- Lực lượng tham gia chủ yếu là Kiểm lâm, Công An, Quân đội, các cơ quan tố tụng; chủ rừng; các tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan thông tin đại chúng đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của chủ tịch UBND các cấp.

- Thời gian thực hiện giai đoạn này trong tháng 10 và 11 năm 2009. Tháng 12/2009, UBND cấp tỉnh sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện của giai đoạn I và triển khai chiến dịch bảo vệ rừng giai đoạn II.

b) Giai đoạn II.

- Nội dung là duy trì các kết quả của giai đoạn I, trọng tâm là triển khai truy quét phá rừng trái pháp luật tận gốc (ở trong rừng), thống kê thu hồi toàn bộ diện tích rừng bị phá trái pháp luật để có phương án khôi phục lại rừng, thu hồi gỗ, lâm sản do vi phạm pháp luật mà có.

- Lực lượng tham gia chủ yếu là Kiểm lâm, Công An, Quân đội, các cơ quan tố tụng; chủ rừng; các tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan thông tin đại chúng đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của chủ tịch UBND các cấp.

- Thời gian thực hiện giai đoạn này từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2010. Tổ chức tổng kết chiến dịch bảo vệ rừng toàn quốc.

c) Chỉ đạo, điều hành.

- Thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về bảo vệ và phát triển rừng cấp trung ương đến cấp huyện trên cơ sở hợp nhất Ban chỉ đạo thực hiện Dự án 661 và Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề cấp bách về bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng. Ban chỉ đạo quốc gia về bảo vệ và phát triển rừng ở Trung ương do phó thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban, phó ban thường trực là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các phó ban khác là Thứ trưởng (phụ trách lâm nghiệp) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công An, Quốc Phòng, Tài nguyên và Môi trường, các thành viên khác là lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, ủy ban dân tộc, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. Ban chỉ đạo quốc gia về bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương do chủ tịch UBND cùng cấp làm trưởng ban, các thành viên do chủ tịch UBND quyết định với thành phần tương tự như ở Trung ương và phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương đặt tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, văn phòng thường trực Ban chỉ đạo địa phương đặt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Tổ chức Hội nghị triển khai toàn quốc vào tháng 9/2009.

d) Nguồn kinh phí đảm bảo cho thực hiện chiến dịch bảo vệ rừng ở Trung ương được sử dụng từ mục kinh phí dự phòng bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (hiện nguồn này đã được bố trí 3 tỷ đồng trong năm ngân sách 2009); ở địa phương sử dụng từ nguồn thu tiền phạt, bán gỗ, lâm sản, tang vật tịch thu (phần nộp ngân sách sau khi đã trừ chi phí xử lý theo quy định của pháp luật), nếu chưa có nguồn thu này hoặc thu không đủ chi, thì ngân sách cấp tỉnh cân đối cấp ứng hoặc cấp bổ sung.

1.2. Sửa đổi, bổ sung các quy định về lưu thông, chế biến gỗ và tăng mức xử phạt về hành vi phá rừng trái pháp luật (Quyết định số 59/2005/QĐ-BNN, Nghị định số 159/2007/NĐ-CP); ban hành các chính sách hưởng lợi từ rừng như mô hình đang thí điểm có hiệu quả ở tỉnh Đắk Nông và Thừa Thiên Huế trong thời gian qua.

1.3. Các địa phương tổ chức rà soát các dự án đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp đã được phê duyệt trong thời gian qua, kiên quyết đình chỉ hoặc thu hồi dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng nội dung của dự án được phê duyệt, không thực hiện việc thu hút người dân tại chỗ tham gia trong các hoạt động của dự án để tăng thu nhập, giải quyết việc làm, ổn định an ninh xã hội; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương cải tạo rừng nghèo kiệt để trục lợi; người tư vấn, người quản lý cố tình làm trái các quy định của pháp luật, có hành vi tiêu cực. Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt.

2. Những giải pháp chiến lược.

2.1. Đổi mới nhận thức về công tác bảo vệ rừng tại cơ sở, xác định vai trò, trách nhiệm tổ chức bảo vệ rừng của chính quyền cấp xã là giải pháp cơ bản, lâu dài. Sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách đối với cấp xã để chính quyền cơ sở thực sự có trách nhiệm, thẩm quyền và kinh phí thực hiện quản lý bảo vệ rừng cùng với nâng cao đời sống người dân.

2.2. Tăng cường năng lực bảo vệ rừng của các Ban quản lý rừng; đổi mới cơ chế quản lý đối với Ban quản lý các khu rừng phòng hộ, đặc dụng theo hướng cho phép tổ chức các hoạt động dịch vụ như: dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ khoa học kỹ thuật, thí điểm dịch vụ săn bắn ở những nơi có điều kiện, gây nuôi cung ứng giống động vật hoang dã để thuần dưỡng... Đổi mới quan điểm quy hoạch và đầu tư đối với vùng đệm rừng đặc dụng, đặt con người là trung tâm và mục đích cuối cùng của bảo tồn, người dân vùng đệm phải được hưởng quyền lợi từ bảo tồn, chia sẻ lợi ích từ lâm sản ngoài gỗ và các dịch vụ thu được từ khu rừng đặc dụng. Nhất thể hóa tổ chức hoạt động của kiểm lâm với ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng để hỗ trợ, tăng cường sự phối hợp, tránh phân tán, chồng chéo, tạo sự cộng đồng trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng trong ngành lâm nghiệp.

2.3. Tiếp tục tổ chức lực lượng kiểm lâm gắn với chính quyền, với dân, với rừng. Chuyển đổi phương thức tổ chức, hoạt động của kiểm lâm địa bàn xã để tham mưu cho chính quyền cơ sở trong công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp, theo dõi chặt chẽ diễn biến rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay vi phạm tại chỗ. Tăng biên chế kiểm lâm và đầu tư phương tiện, kinh phí đáp ứng yêu cầu bảo vệ rừng ở các địa bàn.

2.4. Tổng kết thực tiễn, tiếp tục củng cố tổ chức và hoạt động của các lâm trường quốc doanh, hoàn thiện chính sách để lâm trường (công ty lâm nghiệp) đủ sức bảo vệ rừng được giao, có nguồn thu ổn định trong cơ chế thị trường; gắn trách nhiệm vật chất của chủ rừng với kết quả bảo vệ rừng. Tập trung sớm hoàn thiện thủ tục, hồ sơ giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng rừng gắn với quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Ban hành chính sách cho phép lâm trường được sử dụng giá trị quyền sử dụng rừng, đất lâm nghiệp để thế chấp vay vốn tín dụng, góp vốn liên doanh, liên kết đầu tư; cho phép lâm trường được khai thác gỗ, lâm sản cả đối với rừng trồng và rừng tự nhiên trên cở sở quản lý rừng bền vững, xúc tiến thực hiện cấp chứng chỉ rừng.

2.5. Tổ chức rà soát kết quả giao, cho thuê đất lâm nghiệp trong thời gian qua, hoàn thiện hồ sơ giao đất lâm nghiệp thống nhất với giao, cho thuê rừng; trên cơ sở quy hoạch quỹ đất lâm nghiệp, tiếp tục giao, cho thuê 2,537ha rừng hiện do UBND cấp xã quản lý cho các chủ rừng theo quy định của pháp luật cơ bản hoàn thành vào năm 2015.

Tổ chức thực hiện quyết liệt từ năm 2010 đến 2015 giao cho cộng đồng dân cư thôn, bản khoảng 1,3 triệu hécta rừng và đất lâm nghiệp hiện do cộng đồng đang quản lý hoặc đang nhận khoán bảo vệ rừng có hiệu quả (240.000ha cộng đồng đang quản lý theo truyền thống; 160.000ha các địa phương đang thí điểm giao cho cộng đồng; 900.000ha cộng đồng đang nhận khoán bảo vệ cho các chủ rừng).

2.6. Tổng kiểm kê rừng, đất lâm nghiệp toàn quốc; hoạch định chính xác diện tích, chất lượng rừng và quỹ đất quy hoạch cho phát triển rừng; thiết lập hệ thống dữ liệu quản lý rừng thống nhất trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến (ảnh viễn thám độ phân giải cao) cùng với điều tra trên thực địa, thực hiện từ năm 2010 đến năm 2015 đảm bảo độ tin cậy cao. Năm 2010 tiến hành thí điểm ở 2 đến 3 tỉnh, các năm sau thực hiện trong từng vùng phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật.

IV. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ.

1. Cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các dự án, đề án thực hiện các giải pháp chiến lược bảo vệ rừng trên đây; sử dụng kinh phí dự phòng bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng và UBND cấp tỉnh được sử dụng từ nguồn thu từ tiền phạt, bán gỗ, lâm sản, tang vật tịch thu (phần nộp ngân sách sau khi đã trừ chi phí xử lý theo quy định) để chi cho các hoạt động thực hiện chiến dịch bảo vệ rừng.

2. Về giải quyết đầu tư một số hoạt động

- Đầu tư kinh phí thực hiện tổng kiểm kê rừng toàn quốc từ ngân sách Nhà nước khoảng 550 tỷ đồng. Kinh phí phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng cho UBND cấp xã khoảng 100 tỷ đồng/năm. Nguồn kinh phí ngân sách đầu tư cho công tác giao, cho thuê rừng khoảng 900 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 180 tỷ đồng). Trong đó kinh phí giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn, bản khoảng 250 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 50 tỷ đồng).

- Đầu tư cho dự án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm (phương tiện hoạt động đặc thù, thông tin liên lạc, phòng cháy, chữa cháy rừng, đào tạo...) khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm.

- Chỉ đạo các Bộ có liên quan ưu tiên bố trí bổ sung 195,5 tỷ đồng năm 2009 cho các dự án ổn định dân di cư tự do đã được phê duyệt của các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước để sớm ổn định đời sống người dân, góp phần giảm thiểu nguyên nhân phá rừng trái pháp luật.

3. Xem xét bổ sung 3.000 biên chế kiểm lâm (kiểm lâm xã 1.000 và kiểm lâm các cấp, các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ 2.000).

4. Chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xác định quy hoạch rõ ràng quỹ đất giành cho lâm nghiệp trên bản đồ và thực địa theo kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng theo Chỉ thị số 38/TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương tổ chức giao đất gắn với giao rừng; chỉ đạo cơ quan quản lý địa chính địa phương thực hiện nghiêm túc quy định của Nhà nước về quản lý đất lâm nghiệp; phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các vụ vi phạm pháp luật về đất đai, chấm dứt tình trạng "hợp lý hóa" đất phá rừng, sang nhượng trái pháp luật.

5. Chỉ đạo Bộ Công an và các cơ quan tư pháp Trung ương chỉ đạo lực lượng công an địa phương tập trung xử lý dứt điểm các vụ án tồn đọng; thống kê, phân hóa đối tượng "đầu nậu", kẻ chủ mưu, thuê, kích động xúi giục người dân phá rừng, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện vu khống, gây rối trật tự xã hội; người có thẩm quyền thiếu trách nhiệm, tiếp tay cho hành vi vi phạm, tiêu cực để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

6. Chỉ đạo Bộ Quốc phòng hướng dẫn các đơn vị quốc phòng địa phương và các đơn vị đóng quân trên địa bàn tham gia tích cực vào công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng trên cơ sở quy chế phối hợp đã ban hành; tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa không để tình trạng phá rừng trái pháp luật xảy ra trên địa bàn các đơn vị quốc phòng quản lý; sớm xem xét, tham gia với địa phương trong việc triển khai các dự án ở khu vực đất quốc phòng và khu vực quy hoạch ưu tiên chiến lược quốc phòng. Giao cho một số đơn vị quân đội trực tiếp quản lý, tăng cường lực lượng bảo vệ rừng ở một số khu rừng đặc dụng, phòng hộ khu vực các đơn vị đóng quân thường xuyên.

7. Chỉ đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước:

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, người có thẩm quyền nhưng thiếu trách nhiệm, có tiêu cực, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác gỗ trái pháp luật, chống người thi hành công vụ.

- Tổ chức tận thu triệt để gỗ, củi, lâm sản trong các khu vực được phép khai hoang, chuyển đổi rừng nghèo, tránh lãng phí tài nguyên rừng; tiêu thụ kịp thời gỗ, lâm sản tịch thu. Tiền thu được từ tiêu thụ gỗ, lâm sản tận thu do cải tạo rừng tự nhiên và gỗ, lâm sản tịch thu sau khi trừ khoản chi phí theo quy định của pháp luật được bổ sung quỹ bảo vệ và phát triển rừng để đầu tư cho hoạt động bảo vệ rừng.

- Cho phép các địa phương thực hiện thí điểm đấu giá thuê quyền sử dụng đất và rừng để thực hiện các dự án đầu tư vào rừng, đất lâm nghiệp nhằm tăng thu ngân sách và giảm thiểu các điều kiện có thể phát sinh tiêu cực. Xem xét, bỏ việc phân bổ chỉ tiêu khai thác gỗ dự trữ cho phòng chống bão lụt mà thực hiện việc cung ứng theo cơ chế thị trường.

8. Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền những điển hình tốt về bảo vệ và phát triển rừng, cân nhắc khi đưa tin về phá rừng tránh tạo sự ngộ nhận trong xã hội về các cấp chính quyền đã không còn đủ khả năng quản lý bảo vệ, ngăn chặn tình trạng phá rừng, giảm đi niềm tin vào sự quản lý của Nhà nước, dễ kích thích các hành vi phá rừng trái pháp luật và chống người thi hành công vụ gia tăng.


Số lượt đọc:  1023  -  Cập nhật lần cuối:  24/09/2009 03:18:16 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH