Số 6

Sa mu dầu: loài cây quý hiếm cần được nghiên cứu và bảo vệ tại Vườn quốc gia Pù Mát

Vườn quốc gia Pù Mát là một trong những khu vực có giá trị dạng sinh học cao của Việt Nam với thành phần động, thực vật rất phong phú, đa dạng. Trong số đó có nhiều loài quí hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng. Chính vì điều đó, Vườn quốc gia Pù Mát được xem là điểm nóng về bảo tồn đa dạng sinh học. Riêng về thực vật đã có 68 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và danh sách thực vật bị đe dọa trên thế giới cần được bảo tồn.

Trong số 68 loài thực vật quý hiếm, có một số lượng lớn thuộc ngành hạt trần (Pinophyta), đặc biệt là loài sa mu dầu (Cunninghamia konishii Hayata) thuộc họ bụt mọc (Taxodiaceae) có phân bố rất hẹp ở Vườn quốc gia Pù Mát. Sa mu dầu chỉ phân bố ở một số vùng núi cao của Nghệ An như Pù Hoạt, Pù Mát, Pù Đen Đing, Pù Xai Leng. Các nhà khoa học chưa tìm thấy loài cây này phân bố ở nơi khác trên lãnh thổ Việt Nam và Sách đỏ Việt Nam năm 2007 phân hạng sa mu dầu ở cấp độ VU (loài sẽ nguy cấp). Loài cây này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có giá trị kinh tế rất cao. Sa mu dầu là loại gỗ bền, ít mối mọt, có hoa vân, màu sắc rất đẹp và rất được ưa dùng để làm các đồ thủ công mỹ nghệ, làm các vật dụng trong gia đình, làm nhà nên đang là đối tượng bị chú trọng khai thác. Sa mu dầu có giá trị xuất khẩu cao hơn pơ mu (F. hodginsii) từ 15 đến 20%.

Từ năm 2004 - 2009, Phòng khoa học và Hợp tác quốc tế của Vườn quốc gia Pù Mát đã tiến hành một số cuộc điều tra, nghiên cứu về cây sa mu dầu và bước đầu đã khẳng định được khu vực phân bố của các quần thể sa mu dầu nhưng số lượng rất ít và tái sinh của loài cũng rất ít. Sa mu dầu ở Vườn quốc gia Pù Mát có khu phân bố hẹp, gián đoạn, tạo thành những quần thể sa mu dầu gần như thuần loài và xuất hiện ở độ cao từ 900m đến 1.500m so với mực nước biển. Sa mu dầu thường xuất hiện trong rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới.

Bảng 01: Khu vực phân bố của sa mu dầu tại Vườn quốc gia Pù Mát

Khu vực

Độ cao

trung bình

Độ dốc

Số lượng

D1.3 (cm)

Hvn (m)

Thượng nguồn khe Thơi

1.050 m

400 - 420

650 cây

96,20

31,80

Khe Ca – khe Tun

960 m

350 - 380

70 cây

154,90

46,60

Thượng nguồn khe Ngoã

1.350 m

400 - 450

23 cây

82,19

30,63

Pù Nhông

1.200 m

400 - 430

25 cây

90,00

34,25

Sa mu dầu phân bố thành các quần thể với những cá thể có kích thước rất lớn. Đường kính bình quân từ 80 đến 160cm, chiều cao từ 30 đến 50m. Cá biệt có những cây khổng lồ đường kính tới 500cm, chiều cao trên 60m. Sa mu dầu thường hỗn giao với một số loài cây quý hiếm khác như: pơ mu (Fokienia hodginsii), giổi (Manglietia insignis), kim giao (Nageia fleuryi), sến mật (Madhuca pasquieri), táu mật (Vatica cinerea), giẻ (Castanopsis lecomtei), chò chỉ (Shorea chinensis), chẹo (Engelhardtia chrysolepis)... nhưng nó thường vươn lên chiếm vị trí tầng cao (A1), tạo nên một ưu thế gần như tuyệt đối trong quần xã thực vật đó. ở các khu vực sa mu dầu phân bố độ dốc rất cao, biến động từ 350 đến 450, địa hình rất phức tạp và chia cắt. Sa mu dầu thường mọc theo các đường phân thủy giữa các khe và men dần lên các đỉnh dông. Sa mu dầu xuất hiện tập trung ở khu vực thượng nguồn khe Thơi, đã phát hiện được 650 cá thể, các khu vực khác số lượng đã phát hiện được ít hơn như khu vực khe Ca khe Tun, thượng nguồn khe Ngoã, Pù Nhông.

Bảng 02: Thống kê diện tích phân bố của loài Sa mu dầu ở các khu vực.

TT

Khu vực

Tiểu khu

Diện tích (ha)

Ghi chú

1

Thượng nguồn khe Thơi

787; 794

5,513

2

Khe Ca – khe Tun

795; 798

1,039

3

Thượng nguồn khe Ngoã

835

0,325

4

Pù Nhông

813

0,289

Tổng

7,167

Các khu vực có sa mu dầu phân bố chủ yếu là đất feralit vàng nhạt hay vàng xám, phát triển trên đá trầm tích và biến chất có kết cấu hạt thô, thành phần cơ giới từ nhẹ đến trung bình. Mặt đất ở các khu vực này thường có nhiều đá vụn hoặc đá lộ đầu. Nhiệt độ ở các khu vực sa mu dầu xuất hiện thường thấp hơn so với nơi bình thường từ 2 đến 30C. Biên độ nhiệt có biến động rất lớn trong năm. Qua kết quả điều tra chúng tôi thấy tình hình tái sinh của sa mu dầu rất kém. Cây tái sinh chủ yếu xuất hiện ở giai đoạn cây mạ và khi chuyển sang giai đoạn cây con thì ít bắt gặp, tỷ lệ cây con có triển vọng rất thấp. Đây là một vấn đề và là một thách thức lớn đang đặt ra trong công tác bảo tồn loài cây quy hiếm này.

Qua một số nghiên cứu bước đầu tại Vườn quốc gia Pù Mát cho thấy, sa mu dầu là một loài cây quý hiếm, có phân bố hẹp, có nguy cơ đe doa tuyệt chủng cao và cần phải đưa vào danh sách loài thực vật được ưu tiên bảo tồn. Để có cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn phù hợp đối với loài cây này thì chúng ta cần có những nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm sinh thái, sinh lý loài sa mu dầu làm cơ sở khoa học phục vụ cho vấn đề bảo tồn loài cây nay. Tuy nhiên, do điều kiên kinh phí hạn hẹp nên, trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu còn hạn chế nên Vườn chưa có điều kiện để đi sâu nghiên cứu về loài cây này. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng, các tổ chức và các viện nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm hỗ trợ để có những nghiên cứu chuyên sâu về loài cây quý hiếm này làm cơ sở bảo tồn nguồn gen.


Số lượt đọc:  2577  -  Cập nhật lần cuối:  24/09/2009 03:06:42 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2024 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 và Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH