Số 6

Bảo vệ rừng của cộng đồng thôn bản ở Lào Cai

Lào Cai là tỉnh miền núi phía Bắc, có địa hình núi cao, suối sâu, nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa và môi trường tự nhiên bị phân hóa mạnh. Đây là điều kiện thuận lợi tạo ra nguồn tài nguyên giàu có và đa dạng. Đáng kể nhất là tài nguyên rừng, khoáng sản, đất đai và tiềm năng du lịch. Tuy vậy, các điều kiện đó cũng chính là những trở ngại lớn cho việc sản xuất nông nghiệp, phát triển giao thông, thông tin và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cộng đồng thôn bản của người dân tộc thiểu số thường sống ở vùng núi cao, ở đây cũng phát sinh một số vấn đề về môi trường như: Thói quen, tập quán sinh hoạt, nuôi gia súc gia cầm ngay cạnh nhà, dưới gầm sàn nhà, không có nhà vệ sinh, không có nơi đổ rác, xử lý rác..., dẫn đến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng. Mặt khác, thói quen, tập quán sinh sống của các tộc người thiểu số còn phải dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như: khác thác gỗ làm nhà, làm củi, lấy thuốc từ rừng, quá trình khai thác lại thiếu quy hoạch cần thiết cũng như sự điều tiết quản lý của Nhà nước nên đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với môi trường sinh thái. Chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đã có nhiều điểm mới, cải tiến nhằm từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, loại bỏ các tập tục lạc hậu gây nhiều tác động tiêu cực tới môi trường. Tuy nhiên, việc áp dụng vào thực tế là vấn đề nan giải, không thể giải quyết triệt để trong “một sớm một chiều” đươc, kết quả đạt được vẫn còn hạn chế.

Hiện nay, người dân miền núi, vùng cao nói chung và miền núi vùng cao ở Lào Cai nói riêng vẫn còn rất nhiều khó khăn: Đất đai ít, mặc dù diện tích đất trống vẫn còn nhưng phần lớn đó là núi đá, đất trống bạc màu nên gây khó khăn cho sản xuất, dân số lại đông và vẫn tiếp tục gia tăng. Đây là một nguy cơ tiềm tàng trong tương lai dẫn đến sự gia tăng nạn chặt phá rừng và khai thác tới cạn kiệt các nguồn tài nguyên rừng nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Giá cả và tiêu thụ nông sản còn nhiều bấp bênh, chưa có thị trường nông nghiệp hiệu quả cao. Môi trường và sinh thái trong nông, lâm, ngư nghiệp vẫn đứng trước nguy cơ tiếp tục bị suy thoái; đất đai thoái hóa, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng nông nghiệp. Công tác quản lý môi trường ở địa phương chưa thực sự chuyển biến mạnh mẽ, việc sử dụng các hóa chất không đúng quy định vẫn xảy ra ở nhiều nơi đang ngầm “tiêu diệt” môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trước mắt và lâu dài.

Nhiều năm qua nạn phá rừng bất hợp pháp một cách triền miên đã làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, mất đi tính đa dạng sinh học. Sự tăng nhanh dân số, tăng cường thâm canh đã rút ngắn thời gian bỏ hoang hóa nương rẫy, cho đất nghỉ ngơi, phục hồi độ màu mỡ, làm giảm tính bền vững của các hệ sinh thái nông nghiệp. Theo các tiêu chí phát triển như thu nhập bình quân đầu người, tuổi thọ, trình độ học vấn, an toàn lương thực... thì người dân vùng cao miền núi có mức phát triển thấp hơn nhiều so với đồng bào ở vùng đồng bằng. Bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường cho khu vực miền núi vùng Lào Cai hiện nay là nhiệm vụ có tính cấp thiết, cần có sự quan tâm của mọi người, mọi nhà, các cấp, các ngành.

Cần thiết phải có những hoạt động nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái như: Xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với việc quy hoạch môi trường, cảnh quan sinh thái theo hướng phát triển bền vững. Trong quá trình quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các quy hoạch này cần tính toán đến yếu tố môi trường, đánh giá khả năng tác động đến môi trường đối với khu vực, nhất là những nơi đông dân cư, cuối hướng gió, hạ lưu sông suối... Đây là vấn đề quan trọng để thực hiện phát triển bền vững. Cần coi đây là giải pháp cơ bản, lâu dài để giải quyết tốt các vấn đề đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi vùng cao. Cần tuyên truyền vận động, khuyến khích đồng bào các dân tộc tham gia bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên. Cần thiết phải có các chương trình, kế hoạch vận động người dân, giúp cho mọi người dân trong cộng đồng hiểu biết ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sinh thái khu vực miền núi trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lôi kéo cộng đồng tham gia vào việc quản lý và bảo vệ tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học. Một bộ phận rất lớn người dân vẫn rất yếu kém về nhận thức và hiểu biết các vấn đề môi trường, tài nguyên và phát triển bền vững. Do vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa về môi trường và tài nguyên nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với các vấn đề này.

Miền núi vùng cao là nơi có địa hình hiểm trở, cơ sở hạ tầng về giao thông còn khó khăn. Điều này gây hạn chế cho việc chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên của các cơ quan chức năng. Vì vậy, lực lượng tham gia hiệu quả nhất để bảo vệ môi trường chính là cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống ở trong khu vực. Vấn đề còn lại là phải có các biện pháp cụ thể để người dân tham gia tự nguyện. Hiện tại, chúng ta đang thực hiện nhiều chính sách xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc, giao đất, giao rừng cho từng hộ dân, để họ không chỉ có trách nhiệm gieo trồng mà còn phải bảo vệ tài nguyên rừng. Chương trình trồng mới 5 triệu hécta rừng, trồng rừng thay thế nương rẫy... Cần có đánh giá tiềm năng đa dạng sinh học tại các khu vực làm cơ sở xây dựng các khu bảo tồn, gìn giữ các giống loài quý hiếm, vật chất di truyền hoang dã. Đây là nội dung quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái đối với khu vực miền núi vùng cao, nơi sinh sống của nhiều loài quý hiếm, các vật chất di truyền hoang dã. Cần phải ban hành hệ thống chính sách về quản lý và bảo vệ các khu bảo tồn cũng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và phổ biến thông tin về phát triển bền vững ở khu vực dân tộc miền núi, chú trọng truyền thông bằng tiếng dân tộc. Đây là việc làm đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của người dân miền núi trong bảo vệ tài nguyên môi trường. Đa dạng hóa các loại hình kinh tế trong tiến trình phát triển bền vững khu vực dân tộc miền núi. Có các hình thức hỗ trợ tài chính để khuyến khích người dân tham gia vào chăn nuôi, trồng trọt, triển khai các mô hình kinh tế sinh thái nhân văn, du lịch sinh thái, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tạo lập thị trường, phát triển nguồn nhân lực... để tạo chuyển biến về kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân. Đó cũng là biện pháp hữu hiệu giảm sức ép với môi trường.

ĐỨC LÂM


Số lượt đọc:  954  -  Cập nhật lần cuối:  24/09/2009 02:58:02 PM
Thông báo

THÔNG BÁO: Đề nghị các địa phương cập nhật, báo cáo diễn biến rừng năm 2023 theo quy định tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018. Chi tiết...

Liên kết
PHIM PHÓNG SỰ
Giữ vững màu xanh tổ quốc - Tập 2  
THƯ VIỆN ẢNH